Doanh số của Tesla lao dốc tại 5 thị trường Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan
Doanh số Tesla tháng đầu năm 2025 giảm mạnh tại châu Âu, điển hình là tại Pháp giảm 63%; Thụy Điển giảm 44%; Hà Lan giảm 42%, được cho là chịu tác động từ hoạt động chính trị của Elon Musk.
Hãng xe điện Tesla đã khởi đầu năm 2025 không mấy suôn sẻ khi doanh số giảm mạnh tại 5 thị trường lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy và Hà Lan. Nguyên nhân được cho là sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe điện mới xuất hiện, cùng việc hình ảnh của CEO Elon Musk đang ngày càng gây tranh cãi trong dư luận.
Theo dữ liệu công bố ngày 4/2, doanh số của Tesla tại Anh giảm gần 12% trong tháng 1 vừa qua, trong khi thị trường xe điện (EV) nói chung của nước này lại lập kỷ lục tăng trưởng. Điều này cho thấy sự suy giảm không đến từ nhu cầu thị trường mà nằm ở chính thương hiệu Tesla.
Sự sụt giảm trên không chỉ diễn ra tại Anh mà còn lan rộng khắp châu Âu, cụ thể tại Pháp giảm 63%; tại Thụy Điển giảm 44%; tại Na Uy giảm 38%; tại Hà Lan giảm 42%.
Tại Mỹ, Tesla cũng ghi nhận mức giảm 12% ở California - thị trường ôtô lớn nhất “Xứ Cờ hoa” với hơn 1,7 triệu xe đăng ký trong năm 2024. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Tesla ghi nhận sự sụt giảm doanh số hằng năm, dù hãng vẫn là nhà sản xuất EV số 1 tại Mỹ.
Một trong những lý do khiến người tiêu dùng quay lưng với Tesla được cho là ảnh hưởng từ các hoạt động chính trị của Giám đốc điều hành (CEO) hãng này – ông Elon Musk.
CEO của Tesla đã có một năm 2024 đầy tranh cãi, khi ông chi 250 triệu USD để ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, góp phần đưa ông trở lại cương vị Tổng thống Mỹ; công khai ủng hộ các đảng cực hữu tại Anh và Đức trên nền tảng mạng xã hội X và đưa ra phát biểu gây sốc liên quan chế độ Đức Quốc xã. Những động thái này khiến dư luận châu Âu phản ứng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh Tesla.
Một cuộc khảo sát tại Anh của do chuyên trang tư vấn ôtô Electrifying.com thực hiện cho thấy 59% người dùng EV hoặc có ý định mua EV cho biết họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hình ảnh của ông Musk và lưỡng lự khi mua Tesla.
Tại Thụy Điển, tỷ lệ người tiêu dùng có đánh giá tích cực về Tesla đã giảm từ 19% xuống còn 11% chỉ trong vài tuần sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, trong khi tỷ lệ tiêu cực tăng từ 47% lên 63%.
Bà Ginny Buckley, CEO của Electrifying.com, nhận định: "Ảnh hưởng của ông Musk đối với thương hiệu Tesla ngày càng gây tranh cãi, khiến nhiều người mua xe điện chuyển sang lựa chọn khác. Với hơn 130 mẫu xe điện phổ thông hiện có tại Anh – so với chỉ 25 mẫu vào năm 2020, sự cạnh tranh đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết và Tesla đang chịu áp lực lớn."
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng Tesla đang bị bỏ lại phía sau không chỉ vì ông Musk, mà còn vì hãng này thiếu sự đổi mới về sản phẩm.
Ông Ben Nelmes, CEO của tổ chức nghiên cứu New AutoMotive, nhận định: "Vấn đề của Tesla không chỉ là ông Musk. Hãng này đã ngừng đổi mới sau khi tung ra Model Y vào năm 2020, trong khi các đối thủ – đặc biệt là các hãng xe Trung Quốc – liên tục ra mắt những sản phẩm mới hấp dẫn hơn."
Trên thực tế, Tesla chưa ra mắt mẫu xe phổ thông mới nào suốt 4 năm qua, trong khi các hãng như Volkswagen, Mercedes và Peugeot liên tục giới thiệu các dòng xe EV mới với công nghệ tiên tiến hơn.
Đáp lại, ông Musk tuyên bố rằng Tesla sẽ ra mắt mẫu xe điện giá rẻ vào năm 2025, đồng thời tập trung mạnh hơn vào công nghệ lái tự động để duy trì vị thế cạnh tranh.
Bất chấp những vấn đề về doanh số, cổ phiếu Tesla vẫn tăng mạnh trong năm qua. Hiện tại, cổ phiếu Tesla đang giao dịch với tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận kỳ vọng) lên tới 131, cao hơn không chỉ các hãng ôtô truyền thống mà còn vượt cả nhiều cổ phiếu công nghệ lớn (thường có P/E khoảng 20).
Điều này cho thấy thị trường vẫn đặt cược vào tiềm năng dài hạn của Tesla, dù doanh số hiện tại có dấu hiệu chững lại./.