Doanh số thương hiệu cà phê Starbucks giảm quý thứ ba liên tiếp
Thương hiệu đồ uống nổi tiếng Starbucks đã báo cáo doanh thu quý vào hôm qua (30/10) với kết quả không như mong đợi khi thu nhập tại Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường lớn nhất gây thất vọng.
Trước đó, Starbucks đã công bố báo cáo sơ bộ về kết quả doanh thu quý vào ngày 22/10 và thông báo sẽ tạm dừng đánh giá triển vọng tài chính năm 2025 vì đang trong quá trình chuyển giao.
Đây là báo cáo tài chính đầu tiên của thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Mỹ dưới thời CEO Brian Niccol, người gia nhập vào ngày 9/9 với sứ mệnh vực dậy hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn của doanh nghiệp.
"Chúng tôi cần thay đổi cơ bản chiến lược để giành lại khách hàng. Chúng tôi có một kế hoạch rõ ràng và đang hành động nhanh chóng để đưa Starbucks trở lại tăng trưởng", CEO Brian Niccol cho biết.
Ông Niccol đã vạch ra kế hoạch gồm nhiều phần nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh của Starbucks tại Hoa Kỳ. Một số bước trong đó hướng đến mục tiêu mới, bao gồm yêu cầu giao tận tay đồ uống cho khách hàng mua trực tiếp trong vòng bốn phút. Theo ông Niccol, khoảng một nửa số giao dịch hiện tại nằm trong mục đó.
Các quán cà phê của Starbucks sẽ mang trở lại những thanh gia vị đã biến mất sau quầy trong thời kỳ đại dịch Covid19, loại bỏ phụ thu cho các loại sữa thay thế và giảm giá thực đơn. Niccol cũng nói với các nhà đầu tư ông muốn đẩy mạnh phương thức "đặt hàng và thanh toán trên thiết bị di động" đồng thời cải thiện đội ngũ nhân viên.
"Tôi rất lạc quan bất chấp những thách thức trong thời gian qua. Tôi nghĩ rằng Starbucks có những điểm mạnh, một thương hiệu mạnh và bền vững. Chúng tôi có một kế hoạch rõ ràng. Chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng", ông Niccol tuyên bố.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2024, chuỗi cà phê Starbucks đã có 108 cửa hàng sau 11 năm gia nhập. Báo cáo kinh doanh quý I/2024 của thương hiệu cà phê này tại Việt Nam cho thấy kết quả không mấy lạc quan, khi doanh thu thuần giảm 2%, chỉ đạt 8,6 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 217 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, chiến lược của Starbucks tập trung vào khu vực Bắc Mỹ. Niccol giải thích ông cần dành thời gian tìm hiểu thị trường Trung Quốc để hiểu rõ hơn về quy luật hoạt động trước lúc quyết định cách phục hồi doanh số bán hàng tại đó.
Trong năm tài chính 2025, Starbucks cũng cắt giảm kế hoạch mở các quán cà phê mới và cải tạo, sửa chữa cửa hàng. Giám đốc tài chính Rachel Ruggeri cho biết sự thay đổi này là để "thích ứng với việc thiết kế lại" các địa điểm toàn chuỗi và giải phóng vốn chi cho quá trình chuyển đổi rộng rãi hơn.
Starbucks báo cáo thu nhập ròng quý IV là 909,3 triệu đô la, hay 80 xu trên mỗi cổ phiếu, giảm so với 1,22 tỷ đô la, hay 1,06 đô la trên mỗi cổ phiếu một năm trước đó. Doanh số ròng giảm 3% xuống còn 9,07 tỷ đô la.
Doanh số bán hàng trên toàn cầu của công ty giảm 7%, do nhu cầu yếu ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lượng khách đến các cửa hàng trên toàn thế giới giảm 8% trong quý. Các cửa hàng tại Hoa Kỳ báo cáo doanh số bán hàng giảm 6%, do lượng khách giảm 10%.
Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng giảm 14% do cả lượng khách và giá bán đều giảm. Starbucks đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ địa phương, chẳng hạn như Luckin Coffee, điều khiến chuỗi cà phê của Mỹ phải hạ giá bán.
Starbucks sẽ bỏ khoản phụ phí cho các sản phẩm thay thế sữa động vật, giúp khách hàng tiết kiệm hơn 10% chi phí cho đồ uống. Thay đổi này bắt đầu từ ngày 7/11 và diễn ra sau nhiều năm khách hàng đề nghị xóa bỏ, đặc biệt là khi các sản phẩm thay thế sữa động vật ngày càng trở nên phổ biến. Phụ phí cho các sản phẩm thay thế sữa động vật có thể lên tới 80 xu cho mỗi đồ uống tại một số thị trường.
Starbucks lần đầu tiên phục vụ sữa không phải từ nguồn gốc động vật vào năm 1997, khi họ thêm sữa đậu nành vào thực đơn. Năm 2015, sữa dừa đã có mặt trên thực đơn toàn nước Mỹ và sau đó là sữa hạnh nhân vào năm sau. Năm 2021, các địa điểm Starbucks trên khắp Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng sữa yến mạch.