Doanh số xe điện tăng làm quan ngại về an toàn giao thông và tiếng ồn

Trên khắp thế giới, nhiều nước và vùng lãnh thổ đang nỗ lực cắt giảm khí thải và nâng cao chất lượng không khí đô thị, với việc nhiều người đặt niềm tin vào các loại ô tô điện.

Ô tô điện tại một bãi đỗ xe ở Romorantin-Lanthenay, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ô tô điện tại một bãi đỗ xe ở Romorantin-Lanthenay, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài việc không phát khí thải ô nhiễm, ô tô điện chạy êm hơn so với những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong với nhiên liệu dầu diesel và xăng cùng loại.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc tạo ra những khó khăn tiềm tàng cho những người khác, như người có vấn đề về thị lực.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết có khoảng 3 triệu chiếc ô tô điện đăng ký mới trong năm ngoái, tăng kỷ lục hơn 41% so với năm 2019.

IEA dự báo lượng ô tô điện, xe buýt, xe tải và xe tải hạng nặng, không bao gồm xe điện hai-ba bánh, tham gia giao thông đến năm 2030 sẽ đạt 145 triệu chiếc.

Ngoài ra, nếu các chính phủ tăng cường nỗ lực đáp ứng các mục tiêu quốc tế về năng lượng và chống biến đổi khí hậu, lượng phương tiện giao thông sử dụng động cơ điện toàn cầu có thể tăng cao hơn nữa, lên tới 230 triệu chiếc vào cuối thập niên này.

Trong cuộc phỏng vấn của đài CNBC, một quan chức tại Viện người mù quốc gia Hoàng gia Anh Zoe Courtney-Bodgener cho hay đối với những người khiếm thị, việc đánh giá tình hình giao thông có thể thực sự khó khăn.

Theo bà, nếu không phải lúc nào cũng có tầm nhìn đáng tin cậy để phát hiện các phương tiện thì âm thanh trở nên rất quan trọng, trong bối cảnh ngày càng tăng việc sử dụng những phương tiện giao thông “yên tĩnh”, như xe đạp và lượng lớn các loại xe sử dụng động cơ lai (hybrid) và xe điện.

Vấn đề ô tô điện quá yên tĩnh dễ gây nguy hiểm cho khả năng phát hiện phương tiện giao thông của người khiếm thị, đã được pháp luật và giới công nghệ tại nhiều nơi trên thế giới đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề này.

Ví như tại châu Âu và Anh, tất cả các phương tiện chạy điện và lai hybrid mới sẽ phải sử dụng hệ thống cảnh báo phương tiện âm thanh, còn gọi AVAS, từ ngày 1/7. Điều này sẽ được bổ sung và giúp mở rộng các quy định trước đây có hiệu lực vào năm 2019.

Theo quy định, hệ thống AVAS sẽ tạo ra tiếng ồn giả lập khi phương tiện chạy tốc độ dưới 20 km/h và khi lùi xe.

Trong tuyên bố của Chính phủ Anh năm 2019, âm thanh “có thể” được vô hiệu hóa bởi người lái xe nếu cảm thấy là cần thiết.

Trong khi đó, quy định của Liên minh châu Âu (EU), âm thanh tạo ra từ AVAS “sẽ là âm thanh liên tục để cung cấp thông tin cho người đi bộ và những người tham gia giao thông khác về sự hoạt động của phương tiện” và yêu cầu âm thanh cần cần giúp dễ dàng nhận hoạt động của phương tiện và nghe tương tự như âm thanh của chiếc xe cùng loại trang bị động cơ đốt trong.

Trong khi đó, quan điểm của ngành ô tô "bằng lòng" với quy định về AVAS, thì vẫn có những quan điểm khác cho rằng quy định tiếng ồn giả lập hoạt động của phương tiện với giới hạn 20 km/h là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Các cuộc thảo luận và tranh luận xung quanh về tiếng ồn và tính an toàn có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tuy nhiên một điều rõ ràng là cần phải có sự cân bằng giữa sự “yên tĩnh” của xe điện với mức độ an toàn giao thông do quá “yên tĩnh” trong tương lai./.

Q.Chung (Theo CNBC)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-so-xe-dien-tang-lam-quan-ngai-ve-an-toan-giao-thong-va-tieng-on/198279.html