Trong một báo cáo gần đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã xếp Israel là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ năm trên thế giới, đứng sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết, xuất khẩu trang bị vũ khí của nước này năm 2017 tăng trưởng lên đến 40%, giá trị hợp đồng đạt 9,2 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng.
Cục trưởng Cục xuất khẩu và Đối ngoại Bộ Quốc phòng Israel - Chuẩn tướng Michael Binn Baruch đã tự hào công bố với báo giới rằng:
“Đây là một thành tựu lớn trong xuất khẩu quốc phòng của Israel. Điều quan trọng nhất là đã chứng minh được rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Israel đã được thế giới tôn trọng, thế giới tin cậy và cần chúng ta”.
Lời tuyên bố của quan chức quốc phòng Israel rõ ràng là không hề quá lời vì từ lâu vũ khí Israel đã được nhiều khách hàng trên thế giới đánh giá rất cao.
Vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự do Israel sản xuất nổi tiếng vì sở hữu tính năng kỹ chiến thuật ấn tượng, trong khi mức giá tương đối dễ chịu và yêu cầu bảo trì bảo dưỡng đơn giản.
Nhưng quan trọng hơn cả, yếu tố cốt lõi khiến vũ khí Israel trở nên đắt hàng chính là chúng đã chứng tỏ được tính năng qua quá trình thực chiến.
Với đặc thù của tình hình khu vực, các loại vũ khí Israel có rất nhiều cơ hội để chứng tỏ năng lực của mình khi quân đội Do Thái thường xuyên phải tiến hành các hoạt động quân sự nhằm đối phó các nguy cơ đến từ láng giềng.
Qua quá trình thực chiến, không phải vũ khí nào của Israel cũng có màn ra mắt ấn tượng, tuy nhiên điều quan trọng là họ đã rút ra kinh nghiệm từ thực địa (đặc biệt là tại Syria) để tiến hành những chỉnh sửa kịp thời.
Chính điều này đã khiến cho độ tin cậy của nhiều vũ khí Israel còn được đánh giá cao hơn cả sản phẩm của Nga, Mỹ hay châu Âu.
Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu chủ yếu của Israel là tên lửa chống tăng, pháo phản lực phóng loạt, máy bay không người lái...
Trong những năm gần đây Israel đã từng bước đặt chân vào một lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn và cạnh tranh trực tiếp với 2 "ông lớn" Nga và Mỹ đó chính là tên lửa phòng không.
Hiện đại hóa xe tăng, thiết giáp cũng là lĩnh vực thế mạnh của Israel, họ đã thu về rất nhiều ngoại tệ nhờ các hợp đồng nâng cấp chiến xa do cả Mỹ lẫn Liên Xô chế tạo.
Sở dĩ Israel gần như thống trị phân khúc này là vì họ luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho đối tác, điều mà nhiều nhà cung cấp khác không thể thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
Không chỉ có vậy, Israel còn đang từng bước tiến vào thị trường máy bay chiến đấu của thế giới mà tiêm kích "Sư tử non" Kfir là ví dụ rõ nét.
Máy bay chiến đấu Israel có tính năng chẳng hề thua kém F-16 hay JAS-39 Gripen, tuy nhiên chúng lại có nhược điểm là độ bền khung thân tương đối thấp, nếu khắc phục điểm yếu này thì Tel Aviv sẽ là thế lực mới trong lĩnh vực hàng không quân sự.
Chiến hạm do Israel thiết kế luôn được xem như những kỳ quan công nghệ, chúng có lượng giãn nước khá nhỏ nhưng vũ trang thì tương đương những khu trục hạm 4.000 - 5.000 tấn.
Jerusalem Post báo cáo, khách hàng lớn nhất của ngành quốc phòng Israel là khu vực Châu Á Thái Bình Dương với 58%, tiếp đến là Châu Âu với 21%, khu vực Bắc Mỹ 14%, Châu Phi 5% và Châu Nam Mỹ 2%.
Còn theo thống kê của SIPRI, Ấn Độ chính là thị trường vũ khí lớn nhất của Israel với hợp đồng năm 2017 trị giá 715 triệu USD, đơn hàng chủ yếu là tên lửa và máy bay không người lái.
Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc phòng với Israel mà dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới là ví dụ tiêu biểu.
Việt Dũng