Doanh thu cao vẫn bị chê ngôn ngữ điện ảnh yếu, các nhà làm phim đừng vội tự ái!

Sau những phim khởi đầu năm 2021 toàn tin 'lỗ' thì cú chốt hơn 400 tỷ của 'Bố già' và đà tăng vùn vụt của 'Lật mặt: 48h' đang khiến phim Việt có thêm nhiều hi vọng cho sự 'khôi phục' sau Covid-19. Tuy nhiên, để ý sẽ thấy nhiều ý kiến cho rằng, dù doanh thu cao, nhưng ngôn ngữ điện ảnh của phim Việt vẫn yếu. Vậy, nhận xét ấy có đúng không?

Ngôn ngữ điện ảnh chỉ các nhà phê bình mới cần hiểu?

Theo đạo diễn Việt Linh (một trong những nhà làm phim uy tín của điện ảnh Việt, với các tác phẩm nổi tiếng như: Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng..., bà cũng từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước –PV) thì: Ngôn ngữ điện ảnh là những tình tiết nhỏ trong phim được tạo ra có chủ đích, như những “lời ngầm” nhằm truyền tải đến người xem những thông điệp.

Tất cả những gì liên quan đến bộ phim, từ việc chuẩn bị đạo cụ, bày bố trường quay... cho đến âm thanh, kỹ xảo hậu kỳ cũng đều giúp tạo ra ngôn ngữ điện ảnh đó. Để tạo một tác phẩm điện ảnh, người đạo diễn phải dành rất nhiều ý tưởng, sáng tạo, những sự chuẩn bị công phu, vì vậy luôn cần có sự thấu hiểu, chia sẻ của người xem.

Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp trực tiếp, thể hiện bằng hình ảnh và âm thanh, tác động trực tiếp đến thị giác và thính giác của con người. Và người xem có cần hiểu ngôn ngữ điện ảnh không? Hay chỉ cần các nhà làm phim, giới chuyên môn, những nhà phê bình phim hiểu là được?

"Lật mặt: 48h" đang áp đảo phòng vé Việt nhưng có nhận xét rằng ngôn ngữ điện ảnh vẫn còn yếu (Ảnh: ĐPCC)

"Lật mặt: 48h" đang áp đảo phòng vé Việt nhưng có nhận xét rằng ngôn ngữ điện ảnh vẫn còn yếu (Ảnh: ĐPCC)

Điện ảnh cũng có rất nhiều những phép ẩn dụ, theo từng khuôn hình, theo từng phép đối xứng trong các cảnh quay, theo cả ngôn ngữ thoại nhân vật. Vì suy cho cùng điện ảnh là nghệ thuật, nghệ thuật thì có các thủ pháp nghệ thuật để truyền tải ngôn ngữ đến người xem – dù người xem có thể không hiểu hết được ngôn ngữ điện ảnh ấy.

Vì thế mới có chuyện, nhiều phim thắng giải lớn bị chê khó hiểu, và vì thế mới có chuyện: Chúng ta vẫn phân biệt phim nghệ thuật và phim thương mại. Phim thương mại để ra rạp, phim nghệ thuật để đi thi. Nhiều năm nay, phim Việt đi thi vẫn hiếm hoi. Chúng ta có lúc vẫn đặt ra câu hỏi: Doanh thu khủng có phải phim hay, hoặc phim đạt giải vì sao ra rạp lại lặng lẽ?Chúng ta dễ thấy là: Khán giả sẽ nhận xét phim rất đơn giản bằng mấy từ: Hay, không hay và bình thường. Gói gọn trong những nhận xét ấy là rất nhiều nguyên nhân: Kiểu vì sao hay, vì sao không hay… Và điều đó chính là lý giải một phần ngôn ngữ của điện ảnh đã chạm đến cảm xúc của người xem hay chưa.

Bị chê, vừa tự ái vừa không tự ái

Suy cho cùng thì bất cứ một ê – kíp làm phim nào khi lên ý tưởng và làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, họ đều mong khán giả có thể hiểu được ý nghĩa bộ phim của mình nói gì. Đó chính là truyền tải nội dung, ngôn ngữ, thông điệp điện ảnh đến khán giả. Và vì thế, làm gì có ai thích nếu ngôn ngữ điện ảnh bị chê “yếu”.

Bây giờ chúng ta ví dụ vào một vài trường hợp. Doanh thu trăm tỷ năm nào phim Việt cũng có, nhưng chọn được phim đi thi quốc tế sao thấy khó khăn quá như vậy. Vì ngay cả những cái tên được chọn sau nhiều cân nhắc cũng khiến người đọc cảm thấy hơi đuối, khó có cơ hội được lọt vào vòng đề cử sau cùng. Vì phim đấy hay ở trong nước mà thôi, còn với thế giới thì vẫn chưa "tinh", và cái chưa tinh ấy chính là ở ngôn ngữ điện ảnh vẫn còn yếu.

“Bố già” hơn 400 tỷ, được khen nhất là chạm đến cảm xúc của khán giả, bình thường giản dị, lấy nước mắt người xem, nhưng cái khác biệt thế hệ, cái khác biệt văn hóa vượt ra khỏi không gian gia đình chưa mạnh mẽ, nếu đem đi thi quốc tế, đòi hỏi người xem quốc tế hiểu, đồng cảm tương đối khó.

Trong khi phim thắng giải Oscar - "Paraside" của Hàn Quốc thì ngôn ngữ điện ảnh rõ đến mức một người xem không chuyên điện ảnh cũng có thể hiểu. Mùi người nghèo là mùi gì? Nó rõ qua từng câu thoại của nhân vật, cả từng hành động bịt mũi của tầng lớp giàu. Tầng lớp trong phim được phân định bằng gì? Bằng mấy cái cầu thang cao thấp chạy mãi không xuống đến nơi của các nhân vật chính. Bằng căn nhà đi cúi vào cúi, bằng nước lênh láng tràn vào nhà và cảnh ngủ đường ngủ chợ mà ai cũng thấy quen cả, không bất ngờ.

"Parasite" quá nhiều cảnh quay, khung hình ẩn dụ, nhưng không hề khó hiểu, ngôn ngữ của từng cảnh quay khiến ngay cả những người không chuyên về điện ảnh cũng có thể hiểu được nội dung phim muốn truyền tải (Ảnh cắt từ phim)

"Parasite" quá nhiều cảnh quay, khung hình ẩn dụ, nhưng không hề khó hiểu, ngôn ngữ của từng cảnh quay khiến ngay cả những người không chuyên về điện ảnh cũng có thể hiểu được nội dung phim muốn truyền tải (Ảnh cắt từ phim)

So sánh thì vô cùng, nhưng so sánh không phải để chê phim Việt, mà so sánh để thấy chúng ta cần cố gắng hơn. So sánh đôi khi gây tự ái, nhưng tự ái để phấn đấu. Còn vừa chê đã tự ái, đã cho rằng lời chê không đáng quan tâm, lại không thấy được điểm yếu của mình.

“Lật mặt: 48h” đang làm mưa làm gió phòng vé thời điểm này có ưu điểm không? Có. Đó là một thương hiệu phim bình dân gần gũi với khán giả, có yếu tố hành động kịch tính. Nhưng bị chê ngôn ngữ điện ảnh yếu là vì sao? Vì kịch bản dễ đoán, vì phim chú trọng phân cảnh hành động nhưng chính các cảnh quay hành động, khung hình cận bị rung lắc quá nhiều, khiến khán giả cảm thấy bị căng mắt khi xem. Chưa kể có những đoạn cảm xúc hơi thừa thãi với cả mạch phim. Mà suy cho cùng, cảnh quay, những thủ pháp được sử dụng trong phim chính là để truyền tải ngôn ngữ điện ảnh cả.

Dẫu sao, nhìn vào doanh thu phim Việt đang áp đảo phòng vé nội, chúng ta có thêm nhiều hi vọng, và nhiều sự cổ vũ với những nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, đôi khi khen đúng khen đủ, chê đúng chê vừa cũng tốt. Các nhà làm phim cũng đừng vì thế mà vội nản.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doanh-thu-cao-van-bi-che-ngon-ngu-dien-anh-yeu-cac-nha-lam-phim-dung-voi-tu-ai-236052.html