Doanh thu hàng tỷ đồng từ nghề mộc gia truyền

Tiếp nối nghề mộc truyền thống của gia đình, anh Trần Mạnh Hùng, tổ dân phố Long Cương, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch đã gây dựng và phát triển xưởng sản xuất đồ mộc có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhờ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, anh Trần Mạnh Hùng đã xây dựng xưởng mộc riêng của mình với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Nhờ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, anh Trần Mạnh Hùng đã xây dựng xưởng mộc riêng của mình với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Anh Trần Mạnh Hùng chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích nghề làm mộc của bố. Bởi vậy, sau giờ học, tôi thường đến xưởng mộc học hỏi, xem bố và mọi người làm việc để tiếp thu kiến thức và học nghề.

Càng tìm hiểu về nghề mộc, tôi càng say mê với nó và quyết tâm sẽ giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi ở lại quê nhà bắt đầu làm nghề mộc.

Để có thêm kiến thức và rèn luyện tay nghề, tôi đã đến nhiều xưởng mộc lớn tại các làng nghề mộc truyền thống ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) và xã An Tường (Vĩnh Tường)… để vừa học vừa làm rồi đủ kinh nghiệm mới quay trở về xưởng mộc của gia đình”.

Trải qua một thời gian rèn luyện, khi đã có tay nghề, năm 2016, anh Hùng quyết tâm gây dựng một khu xưởng do chính mình làm chủ. Với số tiền đã tích lũy được và vay mượn thêm, trên mảnh đất của gia đình, anh xây nhà xưởng với diện tích khoảng 1.000m2, mua sắm máy phay, máy bào, máy lọc… với tổng nguồn vốn khoảng 1 tỷ đồng. Xưởng sản xuất của anh chuyên sản xuất hàng mộc dân dụng như bàn, ghế, đồ thờ, giường, tủ, khung cửa…

Thời gian đầu mới mở xưởng, tuy gặp nhiều khó khăn, song anh lại rất am hiểu về đồ mộc và khéo léo tìm kiếm thị trường, các sản phẩm gỗ làm ra đều tinh xảo, đẹp và được người dân trong vùng tin tưởng, đặt làm.

Dần dần, trong quá trình sản xuất, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, anh Hùng không ngừng nâng cao tay nghề, tìm hiểu thêm nhiều mẫu mã sản phẩm và tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, hệ thống máy lọc, máy hút bụi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, giúp cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng của anh khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các sản phẩm dân dụng do xưởng của anh sản xuất được nhiều khách hàng ở trong tỉnh và các nơi lân cận như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội biết đến và tiêu thụ rộng rãi.

Giá trị đơn hàng từ đó ngày càng tăng cao, xưởng mộc thường xuyên nhận được những đơn hàng trị giá 50 - 100 triệu đồng trở lên, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.

Nhờ sự đầu tư đúng hướng, đến nay xưởng sản xuất đồ mộc của anh đã đi vào hoạt động ổn định. Bình quân mỗi năm, xưởng gỗ mang đến thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, anh còn quan tâm giúp các thanh niên trên địa bàn có công ăn việc làm, tránh xa tệ nạn xã hội. Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình anh đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 9-15 triệu đồng/tháng và dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh niên ở địa phương.

Nói về định hướng trong tương lai, anh Hùng chia sẻ thêm: "Thời gian tới, xưởng mộc của gia đình tôi sẽ phát triển theo hướng hiện đại hóa, các công đoạn làm ra sản phẩm sẽ được thay thế bằng máy móc, trang thiết bị hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83532/doanh-thu-hang-ty-dong-tu-nghe-moc-gia-truyen.html