Doanh thu kỷ lục, biên lợi nhuận PNJ vẫn thu hẹp do 'sức nóng' của vàng

Nửa đầu năm nay, PNJ đạt doanh thu kỷ lục hơn 22.000 tỷ đồng, thu về gần 1.200 tỷ đồng lãi sau thuế, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trung bình trong 6 tháng của doanh nghiệp này lại giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 16,4%.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy trong nửa đầu năm 2024, vàng 24K (bao gồm vàng miếng và nhẫn trơn) là mảng có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp.

Lượng vàng 24K bán ra tăng vọt đến 80,8% so với cùng kỳ 2023, đạt đến 9.177 tỷ đồng, đẩy tỷ trọng doanh thu vàng 24K trong cơ cấu tổng doanh thu của PNJ cũng lên mức cao, chiếm đến 41,5%, trong khi cùng kỳ 2023 chỉ đạt 30,7%. Theo doanh nghiệp, vàng 24K bán ra tăng mạnh nhờ sự sôi động của thị trường.

Trong khi đó, trang sức, vốn là mảng chủ lực, chỉ tăng 14% ở mang bán lẻ và tăng 20% với bán sỉ. Dù vậy, bán lẻ vẫn mang lại tổng doanh thu cao nhất, với 10.945 tỷ đồng, chiếm gần 50% trong cơ cấu doanh thu.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 22.113 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7,5%, đạt 1.167 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm cao kỷ lục của PNJ tính từ thời điểm doanh nghiệp niêm yết năm 2017.

Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 6% so với năm 2023. Như vậy, với kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý đầu năm, nhà bán lẻ trang sức này đã hoàn thành gần 60% chỉ tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tuy nhiên, dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình trong 6 tháng năm 2024 của doanh nghiệp này lại giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 16,4%, trong khi nửa đầu năm 2023 đạt 18,9%. Nguyên nhân là do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh, vàng 24K đóng góp hơn 41% doanh thu.

Tại phiên họp cổ đông năm 2024 ngày 16/4 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông cũng chia sẻ nếu người tiêu dùng chuyển sang mua vàng miếng, vàng 24K nhiều hơn thay vì mua vàng trang sức thì tỷ suất sinh lời của công ty cũng sẽ thay đổi.

Lý giải rõ hơn, theo Tổng giám đốc PNJ, biên lợi nhuận từ kinh doanh vàng 24K tại doanh nghiệp chỉ đạt dưới 1%, trong khi vàng trang sức lại có biên lợi nhuận lên đến 2 chữ số.

Trong báo cáo doanh nghiệp mới nhất, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định giá vàng biến động mạnh trong thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho PNJ.

Cụ thể, ở điều kiện bình thường, biến động giá vàng có ảnh hưởng vào giá vốn, còn khi giá biến động trên 5% sẽ điều chỉnh giá bán tới khách hàng. Nhóm phân tích KBSV đánh giá PNJ có khả năng duy trì biên lợi nhuận cả khi giá vàng tăng hoặc giảm tương đối ổn định thông qua điều chỉnh giá bán.

Thời gian vừa qua, hiện tượng giá vàng tăng cao giúp doanh thu vàng 24K tăng mạnh và tài sản của PNJ tăng. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng nóng, tình hình kinh doanh của PNJ cũng chịu một số tác động. Thứ nhất, mảng vàng 24K (biên lãi nhỏ) sẽ chiếm thị phần của vàng trang sức. Thứ hai, PNJ lại phải tính toán thời điểm mua nguyên vật liệu đầu vào đồng thời phải tìm cách bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống. Thứ ba, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong dự báo nhu cầu mua hàng của khách hàng để đưa vào sản xuất.

Với nhu cầu vàng 24K tăng đột biến thời gian qua, KBSV điều chỉnh tăng dự phóng doanh thu cả năm của PNJ lên 40.411 tỷ đồng, tức tăng 3.000 tỷ đồng so với dự phóng cũ. Trong khi đó, KBSV điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế của PNJ xuống 2.118 tỷ đồng, tức giảm hơn 5% so với dự phóng cũ trong bối cảnh giá vàng biến động có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty, ngoài ra chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh.

Nhóm phân tích KBSV kỳ vọng với những nỗ lực ổn định thị trường vàng của các cơ quan chức năng, biên lãi gộp cả năm của PNJ có thể nhích nhẹ lên 17,3%.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-thu-ky-luc-bien-loi-nhuan-pnj-van-thu-hep-do-suc-nong-cua-vang-31558.html