Doanh thu qua thương mại điện tử chiếm 10,5-11% vào năm 2030
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch 1990/KH-UBND về thực hiện Chiến lược 'Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển thương mại giai đoạn 2021-2030: Phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm (9,5-10,0%/năm giai đoạn 2031-2945); phấn đấu đến năm 2030 đóng góp khoảng 15-15,5% vào GRDP của tỉnh (15,5%-15,7% vào năm 2045); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đạt tốc độ bình quân giai đoạn 13,47%/năm (giai đoạn 2031-2045 là 13,49%), tương ứng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 và đạt khoảng 239 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.
Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm khoảng 95% (năm 2045 là 75%), của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 5% (năm 2045 là 25%). Kinh tế tư nhân tham gia kinh doanh trên thị trường chiếm đa số, là những chủ thể quan trọng đóng góp trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Về thương mại điện tử: hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia giao dịch. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% (năm 2045 đạt 15-16%) tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021-2030 trên 40% (giai đoạn 2031-2045 trên 70%) các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng…
Kế hoạch đặt ra 9 nhiệm vụ để phát triển thương mại đến năm 2030, tầm nhìn 2045, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo đúng cơ chế thị trường; gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong tỉnh, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, phát huy kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường; nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.