Doanh thu từ nước ngoài của doanh nghiệp số Việt Nam sẽ tiến mốc 100 tỷ USD, vượt xuất khẩu nông nghiệp
Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD và đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI, ngày 15/1/2025, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là mục tiêu rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhưng nếu không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam.
“CHIẾC NỎ THẦN” BẢO VỆ VIỆT NAM, SẼ CHỈ CÓ THỂ DO NGƯỜI VIỆT NAM LÀM RA
Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm…Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới có tính cách mạng và bước tiến vượt trội của nó. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả.
Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu.
Made in Việt Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
“Made in Việt Nam là một khẩu hiệu hành động, là một tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ. Made in Việt Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh” Theo người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam, sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.
Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024 giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32% và mục tiêu đặt ra sẽ đạt trên 50% vào năm 2030.
Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Theo Bộ trưởng, thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.
Trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu dân vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.
“NGHỊ QUYẾT KHOÁN 10” CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Made in Việt Nam cũng là tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc để phát huy trí tuệ Việt Nam.
Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa sánh vai với cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Made in Việt Nam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Đó là ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.
Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “trước đây chúng ta tập trung nhiều vào ứng dụng, gia công thì nay phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn”.
Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược. Việc làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.
“Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số; làm chủ các công nghệ chiến lược. “Đây là một mũi tên trúng hai đích vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Sự có mặt của Tổng Bí thư tại Diễn đàn Make in Viet Nam sẽ truyền đi thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng ta: Phát triển và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD và đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là, xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam.
“Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối với Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận sandbox, chấp nhận rủi ro: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ không cấm mà cho phép thử nghiệm có kiểm soát.
Cùng với đó, những đặc khu công nghệ, đặc khu đổi mới sáng tạo, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 57 xác định bộ 3: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, nó tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, nó chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới. Nó là “cây gậy thần” để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế xã hội, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Chuyển đổi số là chuyển mọi hoạt động lên môi trường số, là số hóa thế giới thực tạo thành một không gian mới- Không gian số, cung cấp nền tảng kỹ thuật số, công nghệ số, dữ liệu số và khả năng kết nối để tăng tốc và mở rộng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Lần đầu tiên, bộ 3: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong 1 Nghị quyết của Bộ Chính trị. Sự liên thông và không thể tách rời của bộ 3 này sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết 57. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như “Nghị quyết khoán 10” cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ chỗ thiếu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.
Theo người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, Nghị quyết khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo.
“Tinh thần chung của cả Nghị quyết khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo”.
Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá, Bộ trưởng khẳng định.