Độc chiêu giúp chị em bảo quản thực phẩm ngày Tết

Nếu tủ lạnh bị quá tải trong những ngày Tết, bạn hãy áp dụng các cách sau để giữ hương vị cho các món ăn nhé.

Bánh chưng

Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản hoặc để bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu.

Bánh tét

Khi bánh tét mới vớt ra còn nóng thì nên treo bánh nơi thoáng mát, chờ cho bánh nguội. Tránh để bánh trong túi nilon, trong tủ kín vì như thế bánh sẽ bị hầm hơi, mau hỏng. Thời gian sử dụng bánh tét trong vòng 2-3 ngày. Nếu muốn để lâu hơn thì cho bánh vào tủ lạnh, lúc nào ăn đem bánh ra hấp lại. Bánh tét có thể ăn kèm thịt kho, củ kiệu hoặc đem bánh tét chiên giòn lên ăn cũng rất ngon.

Giò chả

Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại.

Lạp xưởng

Để có thể giữ được lâu hãy lấy một cái hộp lớn, đặt vào giữa một cốc rượu trắng rồi xếp lạp xưởng xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả. Nhờ đó lạp xưởng trong và sau Tết vẫn rất thơm ngon.

Các loại mứt

Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ đậy kín, ăn đến đâu lấy đến đó, không nên dồn những đồ ăn chưa hết vào trở lại lọ. Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

Dưa hành, củ kiệu

Khi cắt gốc hành, củ kiệu nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm. Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.

Thịt kho, cá kho

Nấu thật kỹ, khi nhấc xuống bếp cần để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể cho vào nồi nước khác lớn hơn, mức nước cách miệng nồi thịt/cá kho khoảng 10 - 15 cm để tránh nước tràn vào, đậy bằng vung đất nung. Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới.

Măng khô

Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đung tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần. Cứ 2-3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ nên ngầm từng ít một, ăn trong 2-3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.

* Lưu ý

Còn các đồ ăn để trong tủ lạnh bạn nên để thức ăn nguội hẳn, đậy kín rồi mới cất vào. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bốc mùi và lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh cần tăng độ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu. Tránh để thức ăn chín gần thức ăn tươi sống, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Tuy nhiên tốt nhất không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết làm thức ăn kém ngon, dễ hỏng gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe.

C.C (Tổng hợp)

C.C

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doc-chieu-giup-chi-em-bao-quan-thuc-pham-ngay-tet-d21592.html