Dọc dài cùng sông núi với Trần Mai Ninh
Cách mạng Tháng Tám 1945 không những mang lại nền độc lập cho dân tộc ta sau hơn 80 năm mất nước, mà còn thổi vào nền văn học nước nhà một luồng gió mới. Bài thơ 'Tình sông núi' của Trần Mai Ninh là sản phẩm của luồng gió mới ấy.
Chấm phá sông núi qua thơ
Nếu chỉ đọc bài thơ và hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhiều người sẽ hiểu theo hướng: Trần Mai Ninh theo đoàn quân Nam tiến từ quê hương Thanh Hóa của ông, cho đến khi bắt gặp những guồng xe nước trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) quay đều dưới ánh trăng, nhà thơ mới bật lên câu thơ mở đầu cho “Tình sông núi”. Nhưng khi đọc bút ký “Ngọn gió chuyên cần và phóng túng” của Nguyễn Chí Trung - một nhà văn từng tham gia quân đội sau ngày toàn quốc kháng chiến tại khu vực Nam Trung Bộ, thì không phải vậy.
Trần Mai Ninh sinh năm 1917 tại Hà Tĩnh, lớn lên tại Thanh Hóa và theo học ban tú tài tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng và bị thực dân Pháp bắt đày lên Buôn Ma Thuột năm 1941. Đến khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông vượt ngục và được phân công về vùng Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Ông từng qua lại giữa các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên cho đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946. Bài thơ “Tình sông núi” được Trần Mai Ninh viết trong giai đoạn đi lại giữa Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên trước khi ông vào mặt trận Khánh Hòa rồi hy sinh ở đó, chứ không phải là kết quả của những cảm xúc trên đường Nam tiến như nhiều người đã nghĩ.
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc đến sông Trà Khúc cùng ánh trăng: “Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc/ Mây lồng và nước reo”. Những ai quê Quảng Ngãi, từng chứng kiến những guồng xe nước chậm rãi quay đều, bọt nước bắn ra như thể dát vàng trên sông vào mỗi đêm trăng thì mới hiểu một cách thấu đáo hai câu thơ này. Tả vẻ đẹp của bờ xe nước trên sông Trà vào ban đêm, lúc “trăng nghiêng”, hình ảnh hòa cùng âm thanh như thế, thật là tinh tế.
Đang tả vẻ đẹp “không đụng hàng” của bờ xe nước sông Trà, đột ngột tác giả “nhảy cóc” vô tận Bình Định: “Nắng bột chen dừa Tam Quan/ Gió buồn uốn éo/ Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ/ Mờ soi Bình Định trăng mờ/ Phú Phong rộng/ Phù Cát lỳ/ An Khê cao vun vút/ Giá lạnh - Rừng buồn/ Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây”. Mạch thơ dồn dập bằng lối phá cách thể thơ truyền thống nghiêm ngặt vần điệu lúc bấy giờ, Trần Mai Ninh đã lột tả vẻ đẹp của những vùng quê mà ông từng đi qua và chứng kiến. Mỗi địa danh, nhà thơ lại gắn vào một đặc điểm, “định vị” địa danh ấy.
Trong thơ, đừng nghĩ diễn đạt nội tâm để tìm sự đồng điệu của người đọc với tác giả là phần khó nhất, mà tả cảnh vật quanh mình sao cho người đọc “ồ” lên rằng, “tôi cũng thấy vậy mà tả không được”, điều đó có khi còn khó hơn. Diễn tả cái nắng ở xứ dừa Tam Quan như rây bột là một ví dụ. Hoặc “Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ”, rồi “Mờ soi Bình Định trăng mờ”... là những câu thơ không phải đặc tả, chỉ là chấm phá vài nét thôi. Ấy thế mà, tác giả cho ta cả một sự hình dung về vẻ đẹp huyền hồ sương khói của “sông núi” vùng quê này.
Xứng đáng được vinh danh
Năm 2007, Trần Mai Ninh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật chỉ với hai bài thơ “Tình sông núi” và “Nhớ máu”. Cùng thế hệ với những nhà thơ nổi danh trong phong trào Thơ mới nhưng xu hướng “lãng mạn” không hề có trong các tác phẩm của Trần Mai Ninh. Ông đã thổi vào thơ ca những năm sau Cách mạng Tháng Tám một luồng gió mới: Không chịu ràng buộc với cách diễn đạt màu mè trau chuốt, mà tung hứng theo cảm xúc tràn chảy của nhà thơ. Ngay cả tình cảm của thi nhân dành cho đất nước mình lúc đang có giặc ngoại xâm cũng được diễn đạt bằng một hàm lượng chữ nghĩa khác trước. Quyết liệt không khoan nhượng, cả trong thơ lẫn trong vai trò của một người lính ra trận, Trần Mai Ninh đã thành một biểu tượng dấn thân cho Tổ quốc mà nhiều thế hệ nhà thơ - chiến sĩ sau này xem ông như một thần tượng.
“Tình sông núi” đã song hành cùng đất nước suốt 75 năm qua và vẫn vẹn nguyên như thuở mà tác giả của bài thơ đã nghe theo tiếng gọi của non sông để lên đường tham gia kháng chiến chẳng tiếc máu xương.