Độc đáo 1.324 bức tranh vẽ hình tượng rồng trên mo cau
Kết hợp tình yêu hội họa cùng chiếc mo cau tuổi thơ luôn sống động trong miền ký ức, sau gần 3 năm nghiên cứu và tỉ mẩn thực hiện, họa sĩ Hoàng Trúc đã cho ra mắt bộ sưu tập 'Hóa rồng' gồm 1.324 bức tranh mo cau vẽ hình tượng rồng với mong muốn năm 2024, năm Giáp Thìn, nước Việt Nam của chúng ta sẽ trở thành một con rồng châu Á thực thụ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Hồng (Tuân Chính, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), hơi thở đồng quê đã nhen nhóm lên trong họa sĩ Hoàng Trúc tình yêu nghệ thuật và khát vọng dành quãng đời còn lại để theo đuổi niềm đam mê ấy. Họa sĩ Hoàng Trúc chia sẻ: "Tôi có niềm đam mê với hội họa từ khi còn nhỏ, hết phổ thông, tôi thi vào trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh, tôi nuôi ước mơ trở thành họa sĩ và gửi cả niềm tin của một đứa trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc vào tranh".
Trong sáng tác hội họa, họa sĩ Hoàng Trúc đã luôn sử dụng mo cau để thể hiện các tác phẩm của mình. Họa sĩ Hoàng Trúc cho biết: "Ngày xưa, gia đình tôi nghèo, thay vì nằm nôi, mẹ tôi phải dùng những chiếc mo cau để đặt tôi nằm. Nên vậy, hình ảnh chiếc mo cau giản dị và thân thuộc ấy đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên trong tôi. Khi tìm kiếm một chất liệu để thổi hồn cho tác phẩm nghệ thuật, tôi đã nghĩ ngay đến chiếc mo cau. Hơn nữa, tôi làm việc trong ngành văn hóa của địa phương, tôi luôn ý thức về việc giữ gìn một môi trường sống xanh – sạch – đẹp và làm sao tận dụng, phát huy được những giá trị văn hóa và nguyên liệu sẵn có một cách tốt nhất. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh".
Tuy nhiên, rất khó để tìm kiếm mo cau với số lượng lớn, họa sĩ Hoàng Trúc đã phải liên hệ với những đầu mối, người quen ở các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang để tìm nguyên liệu… Tìm được nguồn rồi, nhưng cách xử lý sao cho mo cau không bị ẩm ướt, mốc cũng là một vấn đề rất nan giải.
"Việc sáng tạo nên một bức tranh trên mo cau tuy dễ nhưng cũng cầu kỳ khi mỗi bức tranh hoàn thiện là sự tổng hợp của nhiều của chi tiết nhỏ. Khi quyết định sử dụng chất liệu mo cau, tôi đã dành thời gian nghiên cứu khắc phục sự cong vênh, ẩm mốc trước tác động của thời tiết cũng như cắt – tỉa, ép phẳng sao cho tự nhiên nhất. Việc tìm ra chất liệu màu để giữ được độ bền tốt nhất khi vẽ trên mo cau cũng là một thách thức. Sau nhiều lần nghiên cứu và thực hành, tôi đã quyết định dùng màu acrylic vì có độ phủ cao hơn, khô nhanh hơn màu nước rất nhiều, độ bền màu tốt. Màu sắc trên chất liệu mo cau cũng tạo ra nhiều mảng ánh sáng có chiều sâu, gây được ấn tượng và vẻ đẹp mơ hồ, lãng mạn, tràn ngập tính thơ và đầy tính lan tỏa trong đó" - họa sĩ Hoàng Trúc cho biết thêm.
Độc hành trên con đường đi tìm chính mình, họa sĩ Hoàng Trúc đã tìm cho mình một lối đi riêng sau bao năm tìm tòi sáng tạo. Đó là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa một tinh thần phương Đông với đề tài làng quê của nền văn minh lúa nước làng nghề với bút pháp biểu đạt phương Tây của hai trường phái hội họa hiện đại: Lập thể (Cubism) và Ấn tượng (Impresssionniste). Gần hai chục năm qua, ông vẫn chung thủy với đề tài xuyên suốt, một vệt bút nhất quán với ý đồ tạo nên một diện mạo riêng, một phong cách riêng.
Đề tài của Hoàng Trúc không to tát, ồn ào mà dung dị: Mái rạ, bờ tre, cổng gạch, con trâu, cái cày, đống rơm, những thiếu nữ chít khăn mỏ quạ, áo tơi và chú mục đồng… tất cả được tổ chức hợp lý, chặt chẽ trong một bố cục hài hòa giữa hình và khối, giữa nóng và lạnh, sáng và tối.
Và để chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, họa sĩ Hoàng Trúc đã có ra mắt bộ sưu tập 1324 bức tranh mo cau vẽ hình rồng, trong đó, gồm 100 bức trên những chiếc quạt mo cau và 1.224 bức hình vuông được thực hiện trong gần 3 năm với mong muốn năm 2024, năm Giáp Thìn, nước Việt Nam của chúng ta sẽ trở thành một con rồng châu Á thực thụ. Đồng thời, gửi thông điệp về bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tuy vẽ về hình tượng con rồng nhưng trong mỗi bức tranh mo cau của ông đều có sự ẩn hiện đâu đó những gì thân thương nhất, gắn với cuộc sống của người Việt Nam như: Cổng làng, nón lá, áo tơi, chiếc khăn mỏ quạ và các đồ vật khác như đèn dầu, điếu bát… đặc biệt là hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh. Cách thể hiện đậm chất dân gian, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp những bức tranh trên mo cau tạo ra nhiều hình thái cảm xúc khác nhau, đưa người thưởng lãm đến với những cung bậc cảm xúc đầy mới mẻ, đầy tính thơ ca và đầy vẻ đẹp huyền thoại. Tất cả gam màu, là một sắc thái dung dị, mơ hồ, lãng mạn nhưng đầy tính thơ và đầy tính lan tỏa.
Có lẽ vì thế mà mỗi bức tranh trên mo cau qua nét vẽ của họa sĩ đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật thân thương và gần gũi với những người yêu tranh, đặc biệt thân thiện với môi trường.
"Đối với tôi, mỗi bức tranh mo cau là một câu truyện cổ tích, đầy ký ức của tuổi thơ, cũng như những xúc cảm, sự đau đáu và trăn trở để giữ lại ký ức, hiện tại và gửi vào tương lai. Gợi cho người xem không gian ngoài bức tranh và có thể liên tưởng đến một vẻ đẹp khác nữa, đó là sự lan tỏa chứ không chỉ gói gọn trong bức tranh" – họa sĩ Hoàng Trúc bày tỏ.
Với những giá trị hội họa được thể hiện trên chất liệu gần gũi, độc đáo cùng với thông điệp ý nghĩa, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công nhận Kỷ lục Việt Nam đến họa sĩ Hoàng Trúc với nội dung "Hóa rồng" - bộ sưu tập tranh vẽ chủ đề rồng trên chất liệu mo cau nhiều nhất Việt Nam" vào ngày 2/10/2023./.