Độc đáo 'cây biết đi' ở New Zealand

Một cây rātā phương bắc có hình dáng giống như đang sải bước trên một cánh đồng trống vắng đã được trao vương miện 'Cây của năm 2024' của New Zealand. Cái cây khổng lồ này đã có tuổi đời hàng thế kỷ và được gọi là ' cây biết đi'.

"Cây biết đi" là một loại rātā phương bắc (Metrosideros Robusta). Nó cao hơn 32m và ít nhất 150 tuổi. (Ảnh: Gareth Andrew)

"Cây biết đi" là một loại rātā phương bắc (Metrosideros Robusta). Nó cao hơn 32m và ít nhất 150 tuổi. (Ảnh: Gareth Andrew)

Một cây khổng lồ, kỳ lạ với thân chia đôi giống như hai chân như cây Ent trong "Chúa tể của những chiếc nhẫn". Cây này vừa được trao danh hiệu “Cây của năm” của New Zealand sau khi vượt qua các loài cây khác trong một cuộc thi về cây.

Cây kỳ lạ này được mệnh danh là “cây biết đi” vì hình dáng của cây trông giống như đang sải bước trên cánh đồng. Đây là loài rātā phương bắc ( Metrosideros Robusta ) – một trong những loài cây có hoa cao nhất New Zealand có thể sống tới 1.000 năm. Rễ và cành dài như cánh tay của nó khiến nó trông giống như Ent - một chủng tộc hư cấu gồm những sinh vật giống cây canh gác các khu rừng ở Trung Địa.

Cây đứng trơ trọi giữa một bãi đất rộng cạnh nghĩa trang gần Karamea trên bờ biển phía tây của Đảo Nam. Theo Cơ quan đăng ký cây New Zealand, nó cao khoảng 32 m, tương đương với chiều cao của một tòa nhà bảy tầng.

“Cây biết đi” đã đoạt giải thưởng “Cây của năm” của Hiệp hội trồng trọt New Zealand (NZ Arb) năm 2024, với 42% phiếu bầu của công chúng sau khi 5 cây được lọt vào vòng chung kết.

Người tổ chức cuộc thi Brad Cadwallader nói với Radio New Zealand rằng, “cây biết đi” là một đặc điểm đặc biệt và là ví dụ điển hình về những loại cây đặc biệt mà người dân New Zealand may mắn được trải nghiệm”.

Không rõ chính xác “cây biết đi” bao nhiêu tuổi, nhưng ban tổ chức giải thưởng lưu ý rằng, đây là cây sống sót duy nhất trong một khu rừng đã bị chặt phá khoảng 150 năm trước.

Cây rātā phương bắc là thực vật biểu sinh - một loại cây bắt đầu sự sống phát triển trên bề mặt của cây chủ trước khi mọc rễ trên không và cuối cùng chạm tới mặt đất. “Cây biết đi” có thể đã bắt đầu cuộc sống ở trên cao trong tán cây của vật chủ, sống nhờ không khí và nước mưa trước khi chạm tới mặt đất. Cách bố trí rễ bất thường của nó có thể là do cách nó phát triển xung quanh cây chủ, có lẽ đã chết từ nhiều thế kỷ trước.

Cadwallader cho biết thêm: “Cây chủ hiện đã biến mất. Có thể cái cây đó rất lớn hoặc có thể có một cây khác đã đổ và va vào cây chủ, đó là lý do tại sao rễ đã tách ra gần mặt đất và khiến nó có dáng vẻ như đang đi".

Cây rātā phương bắc là loài đặc hữu của New Zealand và từng là một trong những loài phổ biến nhất trong các khu rừng của nước này. Tuy nhiên, loài cây này đã giảm trong vài thập kỷ qua và hiện nay chúng được liệt vào danh sách dễ bị tổn thương trên toàn quốc, theo Mạng lưới Bảo tồn Thực vật New Zealand.

Ngoài nạn phá rừng, mối đe dọa chính đối với rātā phía bắc là loài thú có túi đuôi chổi thường xâm lấn (Trichosurus vulpecula) và phá hủy cây bằng cách ăn lá và gặm rễ của chúng. Loài cây này cũng bị đe dọa bởi các cây pōhutukawa có liên quan chặt chẽ (Metrosideros excelsa) và dễ bị bệnh gỉ sắt (Austropuccinia psidii), một loại nấm gây bệnh có nguồn gốc từ Nam Mỹ được phát hiện lần đầu tiên ở New Zealand vào năm 2017.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doc-dao-cay-biet-di-o-new-zealand-post1644020.tpo