Độc đáo chợ trái cây 'trên bến dưới thuyền'

Lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, tuần lễ trái cây 'trên bến dưới thuyền' đã được tổ chức, mang nhiều đặc sản miền tây phục vụ du khách. Ngoài việc tạo thêm một điểm đến du lịch, mô hình này còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nông dân.

Người dân thành phố mua nông sản tại tuần lễ trái cây "trên bến dưới thuyền".

Người dân thành phố mua nông sản tại tuần lễ trái cây "trên bến dưới thuyền".

Những ngày cuối tháng 5/2022, tại Bến Bình Đông (quận 8), từng chuyến tàu, thuyền chở sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, mít, ổi... thi nhau cập bờ. Đưa những loại trái cây có tại vườn nhà mời khách hàng dùng thử, chủ trang trại trái cây Hùng (thị trấn Vũng Liêm, Vĩnh Long), anh Huỳnh Thanh Hùng cho biết, đã bán cả tấn sầu riêng và vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách. "Chúng tôi có trang trại trái cây trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Do ảnh hưởng dịch bệnh, hàng không bán được, giá rớt mạnh. Có cơ hội đưa hàng đến thành phố thế này thì mừng lắm", anh Hùng bộc bạch. Chia sẻ về những khó khăn thời gian qua khi xuất khẩu đình trệ, nông sản ùn ứ, mất giá..., bà Hồ Thị Thanh Thủy (Bến Tre) tâm sự: "Hai năm qua, tình hình kinh doanh khó khăn. Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc khi khoản nợ vay ngày càng nhiều. May mắn, qua các hội chợ, tôi được kết nối để đưa hàng vào siêu thị. Với lễ hội trái cây "trên bến dưới thuyền" lần này, nông sản trang trại không chỉ được khách mua với số lượng lớn, mà tôi còn tiếp thị được kênh bán hàng online, bước đầu có nhiều cửa hàng trái cây tại thành phố đề nghị cung cấp hàng vào kênh phân phối của họ. Kỳ vọng sẽ có nhiều tin vui sau phiên chợ này", bà Thủy tâm sự.

Nối nghiệp buôn bán trái cây từ cha mẹ, anh Lê Văn Thịnh (ngụ tỉnh Vĩnh Long) đã trải qua hành trình 12 giờ đồng hồ đưa ghe chở trái cây từ quê nhà lên thành phố. "Mục đích chuyến đi lần này không chỉ để quảng bá những loại trái cây đặc sản quê tui, tìm thêm các bạn hàng mà còn tái hiện khung cảnh buôn bán của ông bà ta ngày xưa qua những gian hàng mái lá cổ kính", anh Thịnh tâm sự. Tại phiên chợ trái cây này, ngoài chất lượng thì giá cả cũng là "điểm cộng" hấp dẫn du khách. Nhiều loại trái cây như ổi nữ hoàng, cóc cầy, chôm chôm chỉ có giá 20 nghìn đồng/kg; sầu riêng từ 50 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg; bưởi 50 nghìn đồng/kg... Chính vì những ưu điểm đó, mà những ngày diễn ra phiên chợ đều đông nghịt khách từ sớm đến tận nửa đêm. Mua một triệu đồng tiền trái cây, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ngụ thành phố Thủ Đức, xách khệ nệ nào sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, vải thiều, ổi, thơm... nói: "Nông sản sạch và giá chấp nhận, từ 20 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg trái cây tùy loại. Chúng tôi hy vọng những phiên chợ thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để nông dân bán được hàng nhiều hơn, người dân thành phố mua được trái cây ngon".

Đưa hàng tấn chôm chôm của hội viên tham gia phiên chợ trái cây, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết: Địa phương đang vào mùa nhiều loại trái cây, việc tham gia tuần lễ trái cây như một kênh quảng bá giúp tiêu thụ nông sản. "Chúng tôi muốn giới thiệu quảng bá những sản phẩm của nhà vườn Vĩnh Long, tạo điều kiện cho bà con mang nông sản lên thành phố để có thêm nơi tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có thêm cơ hội kết nối, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp và các công ty đầu mối, thu mua, xuất khẩu nông sản", ông Nhân kỳ vọng. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận: Thời gian qua, các mặt hàng nông sản, trái cây của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang gặp khó khăn vì khi vào chính vụ thì việc tiêu thụ nông sản ở địa phương không bảo đảm. "Chúng tôi mong muốn thời gian tới, Vĩnh Long sẽ được phối hợp tổ chức thêm các hoạt động như thế này với các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, mặt hàng nông sản, trái cây khi vào mùa thì giá thường không ổn định, người nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ, mong sao các mặt hàng đến được các vùng, miền, các tỉnh, thành phố và đến tận tay người tiêu dùng", ông Kiên nói.

Chợ trái cây lần này có sự góp mặt của 120 gian hàng. Trong đó, 10 gian hàng mây tre lá trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản của hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Tại các gian hàng, người dân có thể thưởng thức các món ăn, thức uống được chế biến từ trái cây, ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân trang trí linh vật từ các loại trái cây, xem biểu diễn trò chơi dân gian, trải nghiệm quy trình gói, nấu bánh ú lá tre, nghề truyền thống của người dân quận 8... Tuần lễ trái cây "trên bến dưới thuyền" kéo dài đến ngày 4/6, đây là dịp để quận 8 kích cầu tiêu dùng và quảng bá du lịch sau Covid-19. Cũng trong dịp này, Sở Du lịch còn phối hợp Ủy ban nhân dân quận 8, các doanh nghiệp du lịch thành phố tổ chức khảo sát, giới thiệu nhiều tua du lịch mới với sự kiện tuần lễ trái cây và các nét văn hóa của quận 8. Theo đó, các công ty sẽ đưa khoảng 250 khách tham quan nét văn hóa "trên bến dưới thuyền" tại một số điểm đến nổi tiếng như đình Bình Đông, chùa Long Hoa, miếu Nhị Phủ... kết hợp tham quan, thưởng thức trái cây đặc sản. Đại diện Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng từng bước nâng tầm quy mô thành Lễ hội trái cây truyền thống "trên bến dưới thuyền", trở thành một trong những sự kiện lễ hội văn hóa của thành phố trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 8 Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết: Đây là hoạt động xúc tiến thương mại ý nghĩa, giúp kết nối cung-cầu giữa các nhà vườn nhằm đưa sản phẩm trái cây đến với người dân thành phố. "Hoạt động này càng có ý nghĩa khi tổ chức trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội đang dần sôi động trở lại. Đây chính là cơ hội để kết nối phát huy giá trị kinh tế, đưa sản phẩm trái cây vùng sông nước Nam Bộ vươn lên tầm cao mới, khẳng định thương hiệu, giá trị đặc sản tinh hoa văn hóa của Nam Bộ", bà Hoa nhìn nhận.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/doc-dao-cho-trai-cay-tren-ben-duoi-thuyen--699812/