Độc đáo cồng chiêng nữ

Mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị em học đánh cồng chiêng để biểu diễn trong lễ hội. Đội cồng chiêng nữ tạo động lực giúp lớp trẻ tìm tòi, học hỏi để tấu lên những giai điệu trầm bổng, âm vang núi rừng.

Đội cồng chiêng nữ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong các dịp lễ hội. Ảnh: T.G.

Đội cồng chiêng nữ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong các dịp lễ hội. Ảnh: T.G.

Đội nữ cồng chiêng

Không sống gần phố thị ồn ào, náo nhiệt, làng Đăk Mót (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) như thu mình lại trong những tán lá xanh rì. Đi từ xa chúng tôi đã nghe tiếng cồng chiêng vang vọng. Khi lại gần, những người phụ nữ với váy áo tươm tất, gọn gàng thướt tha, uyển chuyển bên chiếc cồng chiêng.

Nghỉ tay nhấp ngụm nước mát, chị Y Duyên - đội trưởng đội cồng chiêng nữ ngược dòng kí ức: “Trước đây, đội cồng chiêng của làng toàn là nam. Nhưng do đời sống khó khăn, mọi người phải bươn chải khắp nơi để kiếm sống. Chính vì vậy mỗi dịp lễ hội, hay làng tổ chức sự kiện gì đều thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng khiến không khí không còn vui tươi, mọi người bớt phần phấn khởi”.

Nhận thấy sự cần thiết của tiếng cồng chiêng tại buôn làng nên đầu năm 2019, chị em phụ nữ trong làng lên ý tưởng tập đánh cồng chiêng. Nói là làm, những khi rảnh rỗi chị em tập trung lại, ai biết đánh cồng chiêng rồi thì dạy người chưa biết.

“Cứ chiều tối, sau khi công việc đồng áng đã xong, mọi người tập trung lại nhờ già làng A Deo cùng một số nghệ nhân nam tập luyện. Tuy nhiên, việc đánh cồng chiêng không dễ dàng.

Một phần vì cồng chiêng nặng, nhịp điệu khó nhớ và dễ đánh sai. Nhưng mọi người chẳng ai nản lòng, chúng tôi tự động viên nhau cố gắng. Bởi ai nấy đều mong, tiếng chiêng, tiếng cồng sớm vang vọng trở lại trong những dịp lễ, Tết”, chị Duyên tâm sự.

Sau một thời gian tập luyện, 15 thành viên trong đội nữ cồng chiêng đã làm quen và học thuộc được những động tác, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng. Khi đã biết đánh những bài cồng chiêng đơn giản, chị em trong đội càng hăng say tập luyện hơn. Nhờ đam mê, chăm chỉ luyện tập, nhóm cồng chiêng nữ đã đánh thành thạo nhiều bài như: Mừng lúa mới, đâm trâu, hội ngày mùa…

Chị Y Hơn cầm chiếc cồng gần chục kilogam trên tay lau nhẹ những giọt mồ hôi lăn dài trên trán nói: “Thời gian đầu mới tập đánh, cồng nặng vô cùng. Mình mới cầm một lúc đã mỏi tay không thể tập nổi. Cồng nặng nên mình hay bị lạc nhịp, nhưng tập mãi rồi cũng quen và thành thạo dần.

Có những bài phải 2 người đỡ cồng mới có thể đánh nổi. Tuy vất vả, nhưng càng tập lại càng thấy cồng chiêng có sức hút lạ kì khiến mình không thể buông ra”.

Dứt lời chị Y Hơn cùng nhóm cồng chiêng nữ đánh bài “Hội ngày mùa ngân vang khắp núi rừng”. Tiếng cồng, tiếng chiêng hòa quyện vào nhau tạo nên những giai điệu du dương. Cùng với đó là những bước đi uyển chuyển, thướt tha trong tà váy áo của đội nữ cồng chiêng.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Là người phụ trách đội trống để hòa tấu cùng với nhịp cồng chiêng, chị Y Nơi luôn tự hào vì góp một phần công sức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo chị Y Nơi, đánh cồng chiêng đã khó, đánh trống cũng chẳng dễ dàng gì. Những nhịp trống khi được đánh lên phải hòa cùng với nhịp cồng chiêng nếu không tiết mục sẽ bị lạc nhịp, không hoàn hảo.

“Được tham gia đội đánh cồng chiêng mình rất vui và hạnh phúc. Từng tiếng trống, tiếng cồng chiêng hòa vào nhau tạo nên những giai điệu mượt mà, uyển chuyển, say đắm lòng người. Mình hy vọng rằng lớp trẻ sẽ lưu giữ nét đẹp truyền thống này”, chị Y Nơi tâm sự.

Không chỉ học đánh cồng chiêng, chị em phụ nữ ở làng còn học múa xoang. Khi những người đàn ông đánh cồng chiêng, chị em cùng nhau thướt tha bên váy áo, múa điệu xoang uyển chuyển, mượt mà.

Đội cồng chiêng nữ không chỉ học để đánh cồng chiêng ở các lễ hội trong làng mà còn tham gia biểu diễn ở cuộc thi, hội thi cồng chiêng do thị trấn tổ chức. Có những lần biểu diễn mang giải thưởng lớn về cho làng. Điều này càng khích lệ tinh thần, tiếp thêm động lực cho đội cồng chiêng nữ học tập, “nâng cao tay nghề”.

Già làng A Deo tâm sự, xã hội phát triển, cuộc sống hiện đại khiến lứa trẻ tại làng không còn mặn mà với những giai điệu cồng chiêng. Tuy nhiên, từ khi đội cồng chiêng nữ học tập và có những màn biểu diễn độc đáo, ấn tượng thì chúng dần thích thú, muốn tìm tòi học hỏi.

“Hiện trong làng còn có đội thanh niên học tập để đánh những bài cồng chiêng truyền thống. Già hy vọng mọi người sẽ cùng chung tay gìn giữ những làn điệu dân tộc này. Để sau này tiếng cồng, tiếng chiêng được vang vọng khắp nơi, cả trong và ngoài nước”, già A Deobộc bạch.

Theo UBND thị trấn Plei Kần, để đồng hành với những người có uy tín, các nghệ nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian tới thị trấn Plei Kần sẽ xây dựng khu nhà truyền thống.

Tại đây, cồng chiêng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ được trưng bày. Địa phương mong muốn với những hoạt động này, tiếng cồng chiêng sẽ được bảo tồn, nối dài mãi tới những thế hệ sau.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/doc-dao-cong-chieng-nu-20200530162530704.html