Độc đáo công nghệ tái chế lông tóc để hút chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước
Điểm cộng của công nghệ tái chế lông tóc để làm sạch nguồn nước này là cách làm đơn giản, hoàn toàn tự nhiên, mà không tốn kém nhiều chi phí.
Lông thú và tóc người từ lâu vốn bị coi là rác thải hằng ngày. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lông tóc đã được tái chế thành thành những lưới lọc làm sạch cho các hệ thống đường thủy khắp nơi trên thế giới. Các nhà khoa học Chile đã biến những sợi chất sừng này trở thành màng lọc hút sạch chất độc hại trong nước. Đây là dự án làm sạch hệ thống đường thủy có tên “Petropelo” thuộc Matter of Trust, một tổ chức từ thiện về sinh thái ở quốc gia này.
Được biết, các nhà khoa học ở Matter of Trust đã tận dụng khả năng thấm hút và bám dính tự nhiên của lông tóc để tái chế thành những chiếc phao làm sạch nguồn nước. Lông và tóc được nhét đầy trong những chiếc phao bằng lưới sẽ có nhiệm vụ hút sạch dầu, kim loại nặng, thậm chí vi khuẩn có trong nước.
Ông Mattia Carenini, Tổng Giám đốc của tổ chức Matter of Trust cho biết, trung bình một kilogram tóc có thể làm sạch 5 lít, thậm chí 9 lít nước. Hiệu quả của những chiếc phao lông tóc này là rất cao. Hiện nay, chúng được đặt ở khắp các ao hồ, con suối, bờ biển trong khoảng thời gian lên tới 50 ngày.
Để có đủ lông tóc cho dự án, các thành viên của Matter of Trust sẽ thu nhận lông thú và tóc rụng của người dân khắp nơi trên Chile. Song song cùng với dự án làm phao lông tóc, tổ chức Matter of Trust còn phát triển dự án Agropelo chuyên sản xuất thảm dệt từ tóc. Loại thảm tóc này được sử dụng để giữ độ ẩm cho đất vì chúng có khả năng giữ cho đất giảm bốc hơi trực tiếp và tiết kiệm nước dùng cho tưới tiêu.
Để kiểm chứng về mức độ hiệu quả của lông tóc đối với khả năng làm sạch nguồn nước, các nhà khoa học của Matter of Trust đã đặt 4 phao và 1 thảm tóc ở con suối hứng nước thải của một nhà máy trong thị trấn Laguna Verde, gần thành phố cảng Valparaiso của Chile. Sau khoảng 1 tháng, những công cụ làm sạch này đã thu được 15kg chất gây ô nhiễm nguồn nước.
Trước Chile, Anh Quốc và Mỹ cũng đã sử dụng công nghệ đơn giản này để làm sạch dầu tràn trên đại dương. Chỉ từ những thứ mà con người vứt đi hằng ngày, giờ đây đã trở nên có ích với môi trường mà không tiêu tốn nhiều chi phí.