Độc đáo công trình nghệ thuật cổ điển Âu - Á ở Cung An Định

Thăm cố đô 13 đời vua triều Nguyễn, cùng với chiêm ngưỡng Hoàng thành lưu dấu vẻ nguy nga, hoa lệ song bóng Hương Giang sâu lắng và các đền đài, lăng tẩm thâm nghiêm với đường nét kiến trúc hoài niệm một thời vàng son, du khách cũng không quên đến thăm công trình kiến trúc, nghệ thuật cổ điển kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Âu - Á là Cung An Định tọa lạc 179B Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, TP. Huế.

Mặt tiền Cung An Định và họa tiết đắp nổi trên tường

Mặt tiền Cung An Định và họa tiết đắp nổi trên tường

Cung An Định xây dựng lần đầu năm 1902 tại vị trí hiện nay, tên gọi là Phủ An Định, với quy mô một tòa nhà bằng gỗ 3 gian 2 chái và một vài công trình phụ. Phủ là nơi ở của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đào (1885-1925), con trai trưởng hoàng đế Đồng Khánh. Năm 1906, hoàng tử được phong tước Phụng Hóa Công, Phủ An Định được gọi Phủ Phụng Hóa. Sau khi lên ngôi trị vì trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu tiếp xúc và hội nhập văn hóa, văn minh phương Tây, hoàng đế Khải Định với đam mê nghệ thuật và chuộng sự mới lạ đã nhanh chóng tiếp nhận, khởi xướng và chủ trì công cuộc cải tạo, kiến thiết các công trình mang phong cách tân cổ điển nổi tiếng ở xứ "thần kinh" như: Cung An Định, Điện Kiến Trung, Cửa Hiền Nhơn, Cửa Chương Đức và Ứng Lăng. Khải Định cũng đam mê sáng tạo mẫu thiết kế trang phục cho cá nhân, kết hợp giữa kiểu quân phục phương Tây và triều phục phương Đông. Năm 1917, hoàng đế cho xây dựng lại và mở rộng Phủ An Định thành cung điện khang trang theo kiến trúc hiện đại châu Âu. Đến năm 1918 hoàn thành. Các công trình chính của Cung An Định gồm Đình Trung Lập, Lầu Khải Tường, Nhà hát Cửu Tư Đài... mang phong cách kiến trúc tân cổ điển của Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Tranh sơn dầu miêu tả phong cảnh lăng tẩm ở Huế

Tranh sơn dầu miêu tả phong cảnh lăng tẩm ở Huế

Hình tượng thiên thần có cánh đắp nổi trên tường

Hình tượng thiên thần có cánh đắp nổi trên tường

Ảnh hưởng phong cách kiến trúc lâu đài châu Âu, toàn bộ mặt tường chính của cung được trang trí công phu, tỷ mỷ theo lối đắp nổi vôi vữa, ngoài tô màu khác nhau nhằm phân biệt họa tiết nhiều đề tài trang trí theo phong cách mỹ thuật phương Tây như chùm nho, hoa lá, thiên thần có cánh, bình hoa dạng Cúp... kết hợp với các đề tài trang trí truyền thống phương Đông như rồng, phượng, bát bửu... Nội thất 3 tầng lầu, 22 phòng được trang trí khá hiện đại. Nhất là sảnh đường với 6 bức bích họa vẽ trực tiếp bằng sơn dầu lên mặt tường trát xi măng có khung gỗ chạm nhành hoa mai, lá sen cách điệu thếp vàng thể hiện phong cảnh các lăng tẩm vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Tranh vẽ theo luật viễn cận của hội họa phương Tây kết hợp lối nhìn sinh động của hội họa phương Đông... Năm 1919, hoàng đế Khải Định tặng Cung An Định cho con trai là hoàng tử Vĩnh Thụy (hoàng đế Bảo Đại sau này). Dưới thời hoàng đế An Định và Bảo Đại, Cung An Định là nơi triều đình thường xuyên tổ chức các buổi yến tiệc tiếp quan khách phương Tây và các buổi biểu diễn nghệ thuật...

Rồng - Phong cách hội họa phương Đông thể hiện trên nóc cổng Dinh An Định

Rồng - Phong cách hội họa phương Đông thể hiện trên nóc cổng Dinh An Định

Từ 1957 đến 2002, cung bị sử dụng vào những mục đích khác nhau nên một phần đã thành phế tích, phần chính cung xuống cấp nghiêm trọng, nhiều họa tiết trang trí bị hư hỏng, nhiều mảnh sành sứ, thủy tinh bị tróc vỡ, tường được quét vôi làm mới, xóa các họa tiết hoa văn. Năm 2002, cung được bảo tồn, trùng tu để đưa vào phục vụ du khách tham quan và các hoạt động Festival Huế. Trong những năm 2002-2003 và 2005-2009, các bức tranh tường và phần lớn các mảnh tường trang trí tại nội thất của lầu Khải Tường được bảo tồn, phục hồi với sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của Bộ Ngoại giao Đức. Các chuyên gia của Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leibniz - CHLB Đức (sau đó là Nhóm Dự án Bảo tồn, Trùng tu và Đào tạo Đức) đã tham gia trực tiếp và quá trình bảo tồn, phục hồi, kết hợp hoạt động đào tạo cho các học viên Việt Nam.

Thăm Cung An Định trải qua hơn 100 năm dâu bể, du khách vẫn có dịp may mắn được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc lâu đài châu Âu độc đáo vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và có dịp hiểu hơn về sự chuyển tiếp giữa mỹ thuật tạo hình truyền thống với mỹ thuật tạo hình phương Tây làm nên giá trị độc đáo nổi bật của di tích Cung An Định.

ĐAN THANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/201910/doc-dao-cong-trinh-nghe-thuat-co-dien-au-a-o-cung-an-dinh-2966494/