Độc đáo điệu múa khèn của dân tộc Mông

Len lỏi giữa những triền đá cao, trập trùng trong không gian hùng vĩ của núi rừng là nơi sinh sống, sinh hoạt, giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Là dân tộc còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng núi phía Bắc, dân tộc Mông thổi hồn vào văn hóa dân tộc mình qua điệu múa, tiếng khèn.

Từ bao đời nay, tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, gần gũi như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất khi nhắc đến đồng bào dân tộc Mông. Để trình diễn múa khèn thì cần có tiếng khèn. Chiếc khèn của người Mông vừa là một loại nhạc cụ, đồng thời vừa là đạo cụ để múa. Điệu múa khèn của người Mông thường mang thiên hướng ngẫu hứng, người múa thường nương theo tiếng nhạc để trình diễn, biểu diễn các động tác mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Thông qua tiếng khèn, điệu múa khèn, người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.

Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà giai điệu của khèn Mông có rất nhiều chủ đề, sử dụng trong cả khi vui hay lúc buồn. Múa khèn xưa thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Mông và được chia thành ba loại hình múa chính, bao gồm múa khèn gọi bạn, múa khèn tỏ tình và khèn múa ô…, ngoài ra tùy vào ngẫu hứng từng hoạt cảnh, người đàn ông Mông sẽ trình bày những điệu múa khèn khác nhau, nữ giới sẽ nương theo điệu nhạc thể hiện các động tác tương trợ, biểu diễn cùng các đạo cụ đi kèm như: gùi, ô, khăn tay... Chính sự độc đáo và đa dạng của điệu múa mà ngày nay, múa khèn của người Mông được biến tấu và được nhiều địa phương lựa chọn biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Khèn Mông mang âm hưởng của vùng núi cao, bao la, hùng vĩ, nét giản dị, trong sáng và khoáng đạt như tâm hồn, tính cách của người Mông. Trải qua thời gian, điệu múa khèn dần trở thành nét văn hóa không thể thiếu của dân tộc Mông và trở thành biểu trưng văn hóa mỗi khi người ta nhắc và nhớ đến. Người Mông quan niệm con gái phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa. Con trai phải biết thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ.

Thổi khèn và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên, tinh thần thượng võ. Đây là cách người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, người thương, cộng đồng, thiên nhiên, núi rừng, thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng và đó cũng là cầu nối giữa các nhóm dân tộc Mông với nhau.

Các động tác trong bài múa khèn của người Mông.

Các động tác trong bài múa khèn của người Mông.

Anh Hồng Văn Sùng, xóm Phúc Dùng, xã Phi Hải (Quảng Hòa) chia sẻ: Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng không thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ năm 12 - 13 tuổi. Kèm theo học thổi khèn là phải có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là học cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài.

Múa khèn Mông rất khó vì phải biết lựa theo điệu nhạc để múa. Các động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú. Nếu là mùa khèn đơn nam các động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và có độ khó cao, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt, lộn ngược người thổi, tạo hình leo trèo… Các động tác đòi hỏi độ khó, người múa phải có nhiều kinh nghiệm, sức khỏe.

Đối với các bài khèn, múa khèn đôi thì các động tác thường là nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động, múa xen kẽ giữa nam và nữ…, tốc độ nhạc càng nhanh, động tác múa càng điêu luyện, dứt khoát.

Giống như đời sống mạnh mẽ của người Mông vươn lên chống chọi, thích nghi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tiếng khèn của người Mông cũng khoáng đạt, da diết nhưng kiên cường như cuộc sống của họ. Tiếng khèn ngấm vào máu thịt, chiếm một phần lớn trong tâm hồn của người Mông. Không phải người Mông nào cũng thổi khèn, múa khèn giỏi nhưng đã là người Mông thì con trai ai cũng biết thổi khèn, con gái ai cũng biết múa khèn.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doc-dao-dieu-mua-khen-cua-dan-toc-mong-3172733.html