Độc đáo giếng Chăm trên đất xứ Thanh
Giao lưu, tiếp biến và tái tạo văn hóa là quy luật tất yếu, hệ thống giếng Chăm hiện hữu trên đất xứ Thanh tập trung chủ yếu ở các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, thị xã Nghi Sơn... cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Qua giao lưu, tiếp biến văn hóa, người Việt đã học hỏi được nhiều điều hữu ích và biến đổi cho phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và phương thức sản xuất, văn hóa bản địa.
Khảo sát hệ thống giếng Chăm ở Thanh Hóa, hầu hết các giếng đều được xây dựng theo 2 nhóm vật liệu chính là gạch và đá, giếng thường có kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” và “miệng vuông, đáy vuông”. Trong số đó kiểu giếng “miệng vuông, đáy vuông” là chủ yếu, đây là kiểu dáng rất đặc trưng không lẫn với các giếng của người Việt xứ Thanh. Hình thức giếng “miệng tròn đáy vuông” được thấy ở giếng làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Những giếng thuộc mô típ “miệng vuông, đáy vuông” có nhiều ở xã đảo Nghi Sơn, (thị xã Nghi Sơn), xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xã Trung Thành (Nông Cống), xã Hà Đông (Hà Trung) và “miệng vuông, đáy tròn” ở Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc).
Với giếng “miệng tròn đáy vuông”, tiêu biểu như giếng làng Thượng Phú, dân gian gọi là xạ Kim Phát, xã Hà Đông (Hà Trung) vị trí giếng ở ngay dưới chân núi và đồi đất thấp, phía dưới là ruộng lúa. Cấu tạo của giếng gồm có phần nổi và phần chìm. Phần nổi của giếng là hình tròn được xếp đá núi, kích thước phần nổi có đường kính khoảng 3,5m tương đối cân xứng. Bên dưới của giếng có hình vuông được thu hẹp lại, chính xác là hình chữ nhật (chiều dài và rộng chênh lệch không đáng kể, kích thước khoảng từ 1,2-1,6cm), chiều cao từ thành giếng hình tròn đến mép trên của đáy hình vuông cao khoảng 1,4m, độ sâu 80-120cm. Giữa đáy giếng hình gần vuông và phần trên hình tròn là những phiến đá kích thước lớn hơn đặt chồng lên nhau, trải rộng làm bệ đỡ để xây vòng tròn bao quanh bên trên rộng, nước từ đáy giếng có hình vuông dâng tràn lên. Dọc thành giếng được xếp đá xen kẽ nhau, phần đá xếp bên trên có kích thước tương đối mỏng (5-12cm), đáy giếng được ghép bằng các tấm gỗ dày, có công dụng lèn chặt, cố định đáy giếng để mạch nước từ dưới đùn lên giếng không bị nghiêng lệch. Gần với miệng giếng có đặt một ống tre lớn thông mắt, khi nước dâng đầy thì theo ống dẫn đó đưa nước từ trong ra ngoài (nước tự chảy) tưới cho ruộng lúa. Theo dân làng cho biết, giếng này có từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV tương ứng vào thời Hồ và giếng này cách không xa với Ly cung thời Trần do Hồ Quý Ly xây dựng trên đất Hà Đông (khoảng 1km).
Giếng Chăm ở làng Thượng Phú, Hà Đông từ bao đời và đến tận hôm nay vẫn là nguồn nước vừa để sinh hoạt, vừa là nguồn nước tưới cung cấp cho cây trồng của cư dân nơi đây. Trải qua hàng trăm năm nhưng nguồn nước quý giá này không bao giờ cạn, vẫn trong ngọt và không bị phèn. Điều đó phản ánh người làng Thượng Phú xưa đã học được cách làm giếng của người Chăm (hay chính những người Chăm đã xây nên loại giếng này trên đất Đại Việt, xứ Thanh?). Kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” phản ánh tâm thức của người Chăm xưa, khiến ta dễ liên tưởng tới tín ngưỡng phồn thực thông qua việc thờ cúng ngẫu tượng linga - yoni (linga tròn, yoni vuông) khởi nguồn sự sống. Biểu tượng đó có sự tương đồng với người Việt quan niệm về vũ trụ, trời đất, âm dương, cao thấp, cặp đôi: “trời tròn đất vuông”, “dương tròn âm vuông”... Người Việt tỉnh Thanh xưa đã biết tiếp nhận cách làm giếng Chăm để phục vụ cho chính mình và đó cũng là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa của hai dân tộc Đại Việt - Chăm pa.
Cùng với giếng đá có kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” ở một số nơi xuất hiện giếng “miệng vuông, đáy vuông” được xây bằng đá hoặc gạch kiểu dáng khá độc đáo, tinh xảo trong chế tác và xây dựng. Giếng này được xây dựng bằng các phiến đá ghép lại, xếp chồng lên nhau, loại giếng này ở xã đảo Nghi Sơn có tới 4 giếng. Các lớp đá được đẽo gọt không cầu kỳ ghép chồng khít theo hình vuông, phần đáy hẹp hơn một chút, càng cao dần đến mặt đất kích thước rộng hơn, bên trên có những tảng đá to lấy ở chân núi xếp lại vuông vức.
Trong số 4 giếng Chăm ở xã đảo Nghi Sơn có giếng Cây Đa, còn gọi là giếng Uống có kích thước lớn hơn cả. Các cụ cao niên cho biết giếng này được xây vào khoảng năm Mậu Thân (1788). Theo sử cũ ghi lại: Trước sức mạnh ban đầu của 29 vạn quân Thanh kéo đến xâm lược nước ta, để bảo toàn lực lượng Ngô Thời Nhậm đã bàn với các tướng lĩnh Bắc Hà cho “thủy quân chở đầy thuyền lương thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển đến vùng Biện Sơn và quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường lui về giữ núi Tam Điệp”. Khi vua Quang Trung lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn để tiến ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh xâm lược. Trong lúc tìm vị trí đào giếng họ đã chọn địa điểm giữa hai hẽm núi, nơi kiến đùn đất lên nhiều để đào đất, lật đá tìm ra nguồn nước ngọt. Các giếng Chăm ở đảo Biện Sơn không chỉ cung cấp nguồn nước mát lành cho cư dân trên đảo mà còn cung cấp nước cho các tàu thuyền lại qua trên vùng biển này. Từ xưa các chủ thuyền người Trung Quốc bao giờ cũng bỏ neo ở Nghi Sơn để lấy nước ngọt và than củi tiếp sức trong cuộc hành trình dài ngày trên biển.
Với giếng xây bằng gạch, loại giếng này rất phổ biến đó là: Giếng Vua, ở ngay khu vực Ly Cung (Hà Đông, Hà Trung), giếng đình Bảng Môn (Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), giếng Đền Mưng (Trung Thành, Nông Cống)… Qua khảo sát giếng vuông trong khuôn viên đình làng Bột (Bảng môn đình) xã Hoằng Lộc cho thấy: trước sân đình về bên phải có một giếng nước hình vuông, giếng xây từ bao giờ không rõ, vật liệu là những viên gạch mỏng hình chữ nhật, xếp chồng lên nhau, không có vữa, cách thức xây giống như kỹ thuật xây dựng tháp cổ của người Chăm. Mặc dù có năm hạn, các giếng trong làng cạn khô nhưng giếng vuông làng Bột không khi nào hết nước quanh năm trong vắt. Theo thần phả và tư liệu hiện lưu giữ tại đình và trong từ đường của 72 dòng họ, Thành hoàng làng Bột có tên là Nguyễn Tuyên, ông là vị công thần triều Lý, có công giúp vua Lý Thái Tông dẹp giặc Chiêm Thành vào đầu thế kỷ XI. Khi Tuyên Công 21 tuổi, quân Chiêm Thành đem quân xâm chiếm bờ cõi, vua Lý phải thân chinh cầm quân dẹp giặc, thấy Tuyên Công văn võ tinh thông, nhà vua đồng ý cho chàng cùng nhà vua lên đường đuổi giặc. Thắng giặc, vua cùng Tuyên Công cử giá hồi binh về Thăng Long, khi đến địa phận long đầu của bản trang thì gió mưa nổi lên, Tuyên Công cùng ngựa quỵ xuống, Ngài hóa tại đây. Đó là ngày 21 tháng Chạp năm Đinh Dậu (1037). Nhà vua thương tiếc sắc cho dân xã phụng thờ. Phải chăng cách tìm mạch nước ngầm và xây giếng hẳn là người Việt đã học được kinh nghiệm ở người Chăm và cũng không ngoại trừ cách dò tìm mạch nước, kỹ thuật xây giếng là do người Chăm - những tù binh của vua Lý và Tuyên Công thời ấy đảm nhiệm. Trải qua hàng trăm năm nhưng đến giờ giếng này vẫn là nơi lấy nước dùng trong sinh hoạt của nhiều gia đình xung quanh.
Với giếng có kiểu dáng “miệng vuông, đáy tròn” xuất hiện cách đây 600 năm ở đàn tế Nam Giao, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), được gọi là giếng Ngự dục mới được khôi phục lại. Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: “Giao đàn cũ của nhà Hồ ở phía Nam, trên núi Đốn Sơn, thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, dưới đàn có giếng tắm, xây đá làm thành do Hồ Hán Thương xây, di tích vẫn còn”. Giếng có cấu trúc hình vuông, kè bằng đá tạo thành bậc thu nhỏ dần từ trên xuống dưới, tính từ bề mặt giếng xuống đáy có 9 thành bậc. Bậc thành trên cùng của giếng lớn nhất, chiều dài mỗi thành là 13m. Các thành bậc giếng cao trung bình 30cm, rộng 30cm, lòng giếng cấu trúc hình tròn, giếng có độ sâu 5,6m. Cấu trúc thành bậc hình vuông, lòng giếng hình tròn.
Xứ Thanh trong các cuộc hành binh bảo vệ quốc gia Đại Việt đã từng có sự tiếp xúc với Chăm pa. Với một số giếng Chăm trên đất tỉnh Thanh là minh chứng sống động về những giá trị lịch sử và văn hóa qua giao lưu, tiếp biến văn hóa. Kỹ thuật tìm nguồn nước tốt để đào giếng, bí quyết xây giếng, chọn mạch nước đó dần được người Việt tiếp thu và ứng dụng trong cuộc sống.
Những giếng Chăm hiện hữu trên đất tỉnh Thanh không chỉ là di sản văn hóa vật thể mà còn là di sản văn hóa phi vật thể quý, minh chứng cho trí tuệ và sự tài khéo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cần sớm bảo vệ, xếp hạng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/doc-dao-gieng-cham-tren-dat-xu-thanh/26615.htm