Độc đáo Guyana
Guyana là mảnh đất hoang dã với những khu rừng nguyên sơ, nơi mà con người và muôn loài vật lộn để sinh tồn. Đến với quốc gia Nam Mỹ này cũng giống như ngược dòng thời gian để nhận ra những điều độc đáo, quý giá mà lịch sử để lại.
Guyana hoang sơ.
Mảnh đất của rừng và sông
Với dân số chỉ khoảng 782.700 người sống trên lãnh thổ rộng 83.000 dặm vuông có chung biên giới với Brazil (phía nam và tây nam), Venezuela (phía tây) và Suriname (phía đông), Guyana có thể khiến khách du lịch trở thành một nhà thám hiểm thực sự. Cách tuyệt vời nhất để du lịch Guyana là thuê một chiếc xe địa hình tự lái. Chuyến đi này sẽ đưa bạn qua những khu bảo tồn thiên nhiên hùng vĩ, những cao nguyên hoang sơ, những đồng cỏ kéo dài tưởng như vô tận và những ngôi làng mộc mạc.
“Con sông nghìn dặm” Essequibo đối với Guyana cũng quan trọng như sông Nile đối với Ai Cập. Khách xuôi dòng Essequibo nhất định phải ghé thăm một vài hòn đảo trong số 365 đảo khác nhau nổi giữa sông. Người dân bản địa từ lâu đã lập làng trên đảo. Khi Hà Lan biến Guyana thành thuộc địa (từ thế kỷ XVII - XIX), họ bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức để xây dựng những công trình tầm cỡ. Một số di tích còn tồn tại đến nay: Pháo đài Zeelandia nằm trên đảo Fort, Cối xay gió cao 11m trên đảo Hogg, Nhà thờ Thánh Peter trên đảo Leguan... Còn nếu du khách muốn khám phá thiên nhiên, hãy tìm đến những khu rừng nguyên sinh trên đảo Sloth, đảo Parrot và đảo Gluck.
Vùng bắc Rupununi nằm ở tây nam Guyana là nơi lưu giữ gần như toàn vẹn hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Nơi đây là nhà của một số loài động vật quý hiếm như báo đốm, cá sấu caiman, lợn vòi, khỉ saki và khoảng 900 loài chim. Nếu muốn chinh phục rừng già, bạn hãy chuẩn bị thật kỹ đồ dùng mang theo và tốt nhất là đi cùng một hướng dẫn viên bản xứ.
Tiến về phía nam Rupununi, những khu rừng nhiệt đới dần nhường chỗ cho thảo nguyên bạt ngàn. Khu vực này là địa điểm lý tưởng để chăn thả gia súc và bạn có thể chứng kiến cảnh hàng nghìn con trâu, bò di chuyển giữa những bãi cỏ. Đây cũng là một trong những nơi cuối cùng trên thế giới mà bạn tận mắt thấy các cao bồi thứ thiệt (tiếng địa phương gọi là vaquero) cưỡi ngựa chăn bò và thử trải nghiệm hoạt động này. Thời điểm tốt nhất để ghé thăm miền nam Rupununi là dịp lễ Phục sinh khi người dân tổ chức lễ hội cưỡi bò.
Guyana không thiếu những khu bảo tồn sinh thái như các vườn quốc gia Kaieteur, Iwokrama, Konashen... Mỗi khu bảo tồn chứa đựng trong nó biết bao điều kỳ thú. Chẳng hạn thác Kaieteur ở công viên quốc gia Kaieteur là thác nước một dòng chảy cao nhất thế giới, sở hữu vẻ hùng vĩ khó nơi nào bì được. Đây cũng là nơi sinh sống của hoa súng nia, báo đốm, thú ăn kiến, cá hải tượng long, trăn Nam Mỹ và đại bàng Harpy.
Một lễ hội tưng bừng ở Guyana.
Kho tàng lưu giữ văn hóa
Hầu hết người dân Guyana sống tại thủ đô Georgetown nằm giáp Đại Tây Dương. 9 bộ tộc bản địa cùng với người di cư từ châu Phi, Hà Lan, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng nên thành phố có một không hai này. Georgetown là một thành phố trẻ, năng động, phát triển với tốc độ không thua kém các quốc gia láng giềng. Thành phố đúng là đang “nhìn ra biển lớn” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Người dân Georgetown vô cùng tự hào về lịch sử và nền văn hóa đa bản sắc của mình. Du khách có thể cảm nhận điều này khi ghé thăm các viện bảo tàng ở Georgetown. Một số viện bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Walter Roth (chuyên trưng bày hiện vật về văn hóa và cuộc sống thường ngày), Bảo tàng Quốc gia Guyana, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia và Bảo tàng Di sản châu Phi. Nhiều bảo tàng trong số này nằm ngay trong khuôn viên các công trình lịch sử vô giá.
Nhà thờ Thánh George và tòa hải đăng Georgetown là hai công trình lịch sử mà du khách nên ghé thăm. Cả hai đều có tuổi đời hơn 200 năm và là ví dụ điển hình cho lối kiến trúc thuộc địa thế kỷ XIX. Riêng Nhà thờ Thánh George từng có thời điểm là công trình bằng gỗ cao nhất thế giới. Đứng trên tầng thượng nhà thờ hay tòa hải đăng là cách tối ưu để khách du lịch có tầm nhìn thành phố từ trên cao.
Hai dịp lễ hội lớn nhất của người Guyana là Giáng sinh và Mashramani. Tới đây vào dịp Giáng sinh, du khách không khỏi lóa mắt vì những chiếc đèn trang trí được người dân treo quanh nhà mình. Còn lễ hội Mashramani được tổ chức lần đầu vào ngày 23-2-1970 để kỷ niệm ngày Guyana trở thành một nước cộng hòa. Ban đầu lễ hội chỉ có một cuộc diễu hành ở Georgetown, nhưng nay Mashramani đã trở thành ngày lễ được người dân cả nước ăn mừng.
Nếu muốn tham gia các lễ hội ở Georgetown, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý và thuốc chống say. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể được người dân địa phương kéo vào quán rượu mời tặng những ly rượu rum - thứ “quốc túy” của Guyana với một lòng hiếu khách mà bạn khó có thể chối từ.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/997739/doc-dao-guyana