Độc đáo hàng rào đá ở San Thàng
Không xi măng, cát, những hàng rào đá được xây dựng theo cách riêng của đồng bào dân tộc Giáy ở bản San Thàng (TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa bởi vẻ mộc mạc mà độc đáo.
Phố Đá...
Bản văn hóa du lịch cộng đồng San Thàng thuộc xã San Thàng (TP Lai Châu) cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 3km. Bất kỳ ai khi lần đầu đặt chân đến vùng đất yên bình này cũng ấn tượng bởi vẻ đẹp của những hàng rào đá.
Đến San Thàng, hiện lên trước mặt du khách là những hàng rào đá được xây dựng kiên cố bởi hàng trăm nghìn viên đá với nhiều hình thù khác nhau được xếp có trật tự. Hàng rào đá hiện diện khắp nơi, từ đầu đến cuối bản, quanh vườn nhà, len lỏi ra cả những cánh đồng, thửa ruộng, bờ ao.
“Nghe các cụ kể, vùng đất của bản San Thàng xưa còn có tên gọi khác là bản Phố Đá, bởi bốn bề đều là đá. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu nước, thiếu đất canh tác… Để sinh tồn, người dân nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá”, ông Lù Văn Nguyễn (trú tại bản San Thàng) cho biết.
Ông Nguyễn kể: “Nhận thấy khu vực bản San Thàng có rất nhiều loại đá với hình dạng kích thước khác nhau, người dân trong bản phải dọn đá bằng cách xếp chúng lại, làm hàng rào xung quanh nhà, vườn rau, ruộng nương… Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất và cũng để tránh gia súc phá hoại mùa màng và tài sản.
Trước kia, hàng rào đá được dựng lên là để ngăn cách giữa các nhà với nhau, bảo vệ gia súc, gia cầm, hoa màu, chống xói lở, bạc màu đất trong mùa mưa. Còn gần đây, hàng rào đá đã được người dân trong bản chỉnh sửa lại gọn gàng, đẹp đẽ và cuốn hút hơn để tạo mỹ quan cho làng, bản”.
Chỉ tay vào hàng rào đá trước nhà, anh Lùng Văn Kiêu (trú tại bản San Thàng) chia sẻ: “Thay vì xếp kín như trước, những năm gần đây, người dân ở bản San Thàng xếp đá thành hai hàng rồi đổ đất vào giữa. Phần đổ đất sẽ dành để trồng rau, cây cảnh. Làm như vậy, vừa tạo độ bền, chắc cho hàng rào, vừa tạo cảnh quan đẹp”.
Ông Vùi Văn Phướng – Bí thư Chi bộ bản cho biết: San Thàng được công nhận là Bản Văn hóa Du lịch cộng đồng từ năm 2014. Cả bản hiện có gần 200 hộ dân sinh sống, với nhiều dân tộc khác nhau. Trong đó, người Giáy chiếm đa số. Nhiều thế hệ qua, bà con dân bản luôn phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Giữ gìn nét đẹp của tổ tiên
Hàng rào đá độc đáo ở chỗ được xếp đặt tự nhiên, chứ không cần vữa xi măng hay bất kỳ chất kết dính nào. Để hàng rào bền, đẹp phải có “bí quyết”. Người dân phải chọn những viên già, đá cuội suối to, chắc chắn, cùng màu sắc. Chúng được xếp theo hình tháp, chân to vững chãi. Thông thường, hàng rào đá ở bản San Thàng có chiều cao từ 80cm - 1,2m, rộng khoảng 1m.
Dẫn chúng tôi tham quan Nhà Văn hóa bản, ông Phướng bộc bạch: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Nhiều ngôi nhà xây mọc lên, người dân bắt đầu bê tông hóa. Những con đường vào bản được thay rào đá bằng tường gạch, làm mất đi vẻ hoang sơ.
Để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc và cũng là nhắc nhở con cháu biết trân trọng, giữ gìn nét đẹp của tổ tiên, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con tu sửa, chỉnh trang, làm mới hàng rào đá.
“Nhờ tuyên truyền mà người dân bản San Thàng đã cùng chung tay xây dựng hàng rào, cổng, Nhà Văn hóa bằng đá thay vì xây bằng gạch như các địa phương khác. Những viên đá đều được người dân lựa chọn tỉ mỉ ở các con suối, có nhiều màu sắc khác nhau. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn du khách khi đặt chân đến tham quan. Mọi người đều hết lời khen ngợi khi chứng kiến những hàng rào đá mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi này”, ông Phướng nói.
Lần đầu tiên đặt chân đến tham quan tại bản du lịch cộng đồng San Thàng, chị Bùi Thị Nga (du khách đến từ Lào Cai) cũng không khỏi ngỡ ngàng trước “kiệt tác” của đồng bào Giáy nơi đây.
Chị Nga chia sẻ: “Tôi thấy cảnh quan ở đây rất đẹp. Tôi đặc biệt ấn tượng với hàng rào đá của đồng bào Giáy ở xã San Thàng. Cả bản, đâu đâu cũng thấy hàng rào đá uốn lượn, rất lạ mắt. Đặc biệt là cổng, ngôi nhà văn hóa cũng đều xây dựng bằng đá. Thời gian tới được nghỉ phép dài ngày, nhất định tôi sẽ rủ bạn bè quay lại tham quan nơi này”.
Theo ông Hoàng Văn Sinh – Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: Chính quyền xã đã có đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, có công tác bảo tồn, tôn tạo hàng rào đá của dân tộc Giáy trước nguy cơ bị bào mòn theo thời gian.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-hang-rao-da-o-san-thang-post602622.html