Độc đáo hàng trăm cỗ gà bay rồng, phượng ngày giỗ vua Mai Hắc Đế
Những cỗ gà bay tựa rồng, phượng được người dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) kỳ công uốn nắn, dâng lên trong ngày giỗ vua Mai Hắc Đế.
Sáng 3/2 (13 tháng Giêng), lễ giỗ chính vua Mai Hắc Đế tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được người dân thôn Mai Lâm (nơi đặt đền thờ vua) và chính quyền địa phương trịnh trọng tổ chức.
Ông Phạm Trọng Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết, sau 2 năm không thể tổ chức lễ giỗ vua Mai Hắc Đế quy mô lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, chính quyền và người dân xã Mai Phụ đã thành kính chuẩn bị trước cả tháng cho việc tổ chức ngày kỵ thứ 1.300 của vị vua này.
“Năm nay chúng tôi tổ chức lễ giỗ vua Mai Hắc Đế khá quy mô. Ngoài người dân địa phương, con cháu, dâu rể Mai Phụ từ khắp mọi miền đất nước cũng đổ về để hành lễ”, ông Hợp nói.
Vua Mai Hắc Đế, thuở thơ ấu có tên tự là Mai Thúc Loan, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, quê quán tại làng Mai Phụ (xã Mai Phụ - Lộc Hà). Từ nhỏ, ông đã phải theo mẹ rời quê lên sống ở làng Ngọc Trừng, Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An). Lớn lên, ông nổi tiếng khắp vùng vì thông minh, có sức khỏe phi thường, giỏi đấu vật. Ông mở lò vật, chiêu mộ trai tráng trong vùng để mưu việc lớn.
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo vào tháng tư, năm Quý Sửu (713) giành thắng lợi. Sau khi lên ngôi, ngoài lo việc triều chính, ông đã cho xây dựng căn cứ địa tại Sa Nam và chọn Vệ Sơn (huyện Nam Đàn - Nghệ An) làm nơi đóng đại bản doanh. Khi đã có binh hùng tướng mạnh lại được sự liên kết của Lâm Ấp và Chân Lạp cùng sự ủng hộ của người dân vùng Đường Lâm (huyện Ba Vì – Hà Nội), vùng Bình Hà (Hải Dương)…, ông đã kéo quân ra đánh chiếm phủ Tống Bình (Hà Nội) giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của nhà Đường. Chính quyền của vua Mai Hắc Đế tồn tại được 10 năm (713-722) mới kết thúc.