Độc đáo lễ Chí Dịt của người Cao Lan

Khi những dải mận trắng phủ khắp đường làng và đan xen lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong các ngõ hẻm của mảnh đất 'Thủ đô kháng chiến' Tuyên Quang, thì đó cũng là lúc những người phụ nữ dân tộc Cao Lan tỉ mẩn với từng chiếc bánh chim gâu, bánh chưng tròn đầy, còn những người đàn ông thì tỉ mỉ cắt tạo hình trên những mảnh giấy đỏ để chuẩn bị cho lễ Chí Dịt, mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Ngày Tết phải đủ đầy

Sau nhiều giờ men theo lối nhỏ quen thuộc dẫn vào xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn chúng tôi cũng đến được nơi có hàng ngàn người dân tộc Cao Lan, hay còn gọi là dân tộc Sán Chay đang sinh sống và phát triển.

Mặc cái rét “cắt da, cắt thịt” của những ngày giữa đông, các thành viên trong gia đình người dân tộc Cao Lan ở Yên Sơn, Tuyên Quang vẫn tất bật chuẩn bị đồ lễ cho ngày Tết. Sở dĩ ai nấy đều hối hả là bởi người Cao Lan có quan niệm rằng, ngày Tết là phải đủ đầy, mâm lễ càng nhiều bánh trái thì càng thể hiện sự sung túc, ấm no. Chính bởi vậy, những người phụ nữ trong gia đình tất bật cho những món bánh chim gâu, bánh vắt vai… để dâng lên tổ tiên và thết đãi khách đến nhà trong ngày Tết.

Bà Sầm Lang (60 tuổi) hồ hởi chia sẻ: Đây là những chiếc bánh mang hương vị đặc trưng chỉ có trong ngày Tết của người Cao Lan. Ở trong thôn, mọi người hoặc vài nhà sẽ tụ tập, cùng nhau làm bánh. Bằng cách này, người Cao Lan không những thể hiện sự đoàn kết, mà những người lớn tuổi cũng được dịp truyền lại cho những nàng dâu mới về cách làm bánh, làm người phụ nữ tháo vát trong gia đình.

“Nguyên liệu làm nên những chiếc bánh mang hương vị đặc trưng của người Cao Lan sẽ không được mua ở bên ngoài, mà phải do người phụ nữ Cao Lan làm nên. Trong mâm lễ dâng lên tổ tiên, phải có bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam… Người Cao Lan gọi bánh chưng là bánh vắt vai. Bởi dù được làm nên từ những nắm nếp nương, đậu xanh vàng và thịt lợn hồng tươi rói… nhưng chiếc bánh lại có hình trụ dài và có thể vắt được trên vai” - bà Lang cho hay.

Một loại bánh nữa cũng không thể thiếu trong mâm lễ ngày Tết của người Cao Lan là bánh gai. Bánh gai đen bóng, ngọt mịn và ngậy bùi của nhân lạc cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Những nguyên liệu làm nên chiếc bánh gai được người Cao Lan chuẩn bị từ những ngày hè tháng 6, 7. Bởi người Cao Lan quan niệm rằng, lá gai được tước bỏ xương và phơi khô trong thời điểm này sẽ thấm đầy đủ hương vị của đất, trời. Khi nguyên liệu thấm đủ hương vị đặc biệt ấy, sẽ tạo nên mùi hương vị đặc trưng mà bất cứ thực khách nào ăn một lần cũng nhớ mãi.

Một mảnh giấy tạo hình cây đàn với chữ nho tượng trưng ở góc, cùng 8 nếp gấp này sẽ được ông Kết dán lên khu vực bàn thờ gia tiên

Một mảnh giấy tạo hình cây đàn với chữ nho tượng trưng ở góc, cùng 8 nếp gấp này sẽ được ông Kết dán lên khu vực bàn thờ gia tiên

Chí Dịt cho các vật dụng nghỉ ngơi

Khi những người phụ nữ dân tộc Cao Lan đang cần mẫn làm nên từng loại bánh cho mâm cúng tổ tiên ngày Tết, thì ở góc nhà, những “trụ cột gia đình” như ông Trần Văn Kết cũng tỉ mỉ cắt tạo hình trên những mảnh giấy đỏ để chuẩn bị cho lễ Chí Dịt (tục dán giấy đỏ). Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

“Nếu Chí Dịt lên đồ vật, dụng cụ trong nhà như cái cuốc, cái xẻng, con dao hay cầu thang, chuồng gà, chuồng lợn… thì những nơi ấy sẽ được nghỉ ngơi và đón chào năm mới cùng con người sau một năm làm việc vất vả. Còn với những gốc cây trong vườn nhà, nếu được Chí Dịt thì trong năm mới, những gốc cây ấy sẽ cứ thế tốt tươi, mọng quả, không có sâu bọ tới xâm lấn” - ông Kết giải thích thêm.

Từ thuở ấu thơ, ông Kết đã được rèn giũa cách cắt giấy dán và cách khấn cầu cho lễ Chí Dịt. Mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng những công việc tỉ mẩn cho buổi lễ Chí Dịt vẫn do ông đảm nhiệm. Bởi với người Cao Lan, những yếu tố tâm linh phải do người lớn tuổi nhất trong gia đình thực hiện.

Vì Tết của người Cao Lan thường được chuẩn bị sớm nên từ những ngày giữa tháng Chạp, vào các buổi tối, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để mời những người quá cố về sum họp cùng con cháu trong ngày cuối năm.

Chính bởi vậy, vào những ngày 28, 29 tháng Chạp, khi những đồ vật trong nhà, những gốc cây trong vườn đều được điểm Chí Dịt bằng những tờ giấy đỏ, cộng thêm mùi hương thơm nồng tỏa ra từ góc nhà, người dân Cao Lan mặc định rằng, Tết đã đến. Cũng từ thời khắc này, họ bắt đầu gác lại những lo toan, bộn bề trong một năm qua. Và người Cao Lan quan niệm, những ngày đầu năm mới, lời ăn, tiếng nói càng chân tình, dung dị, ý nhị bao nhiêu thì năm ấy, gia chủ càng được mùa màng, ấm no, an khang bấy nhiêu.

Đối với người Cao Lan, từ xưa đến nay, ngày Tết không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà còn là dịp để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Cao Lan ở Yên Sơn trong mỗi độ Tết đến, Xuân về. Nét đẹp văn hóa truyền thống đó được bà con nơi đây luôn trân trọng giữ gìn để lưu truyền cho con cháu mai sau.

Đối với người Cao Lan, từ xưa đến nay, ngày Tết không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà còn là dịp để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-le-chi-dit-cua-nguoi-cao-lan-152031.html