Độc đáo Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt
Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những vị đại quan có công xây dựng vùng đất phương Nam. Ông nổi tiếng liêm khiết, vì phép nước đã xử chém bố vợ nhà vua vì tội tham nhũng.
Dù có lúc triều đình nhà Nguyễn nghi ngờ lòng trung thành mà san phẳng lăng mộ ông, nhưng sau đã minh oan cho xây dựng lại. Ngày nay, lăng mộ và lễ giỗ của ông là một sinh hoạt văn hóa lớn của người dân đất Gia Định xưa.
Ngày hội văn hóa lớn
Từ ngày 29 đến 31/8 (29/7, 1 và 2/8 Âm lịch), tại Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM), Lễ giỗ lần thứ 187 của Tổng trấn Gia Định thành - Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra thành kính tại Lăng Ông. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo thành phố và các sở ngành, quận Bình Thạnh và rất đông người dân đến dự Lễ giỗ.
Hiếm có một lễ giỗ nào lại trở thành một ngày hội văn hóa như Lễ giỗ tả quân Lê Văn Duyệt. Suốt mấy ngày liền, người dân từ các đình làng tại TPHCM và các tỉnh lân cận đều cử các đoàn đến hành lễ. Chị Lan, một người dân gốc xứ Thanh, cư ngụ tại quận Gò Vấp, mặc áo dài xanh đội lễ cùng với đình làng ở phường của chị đi cúng giỗ Tả quân. Chị nói: “Ông là người gầy dựng nên Gia Định, là TPHCM ngày nay, nên theo lệ các làng đều tới dâng hương và lễ vật”.
Khuôn viên lăng Tả quân khá rộng, tổng diện tích 18.500m2, nhưng ba ngày giỗ đều đông nghẹt người. Một ban lễ tân gồm các cụ ông, cụ bà và thanh niên luôn túc trực để đón đại diện các đình về dâng lễ. Mỗi đình đều được cấp một tấm biển ghi tên đình. Cúng lễ xong, đại diện các đình được giữ lại mời cơm trưa. Bác Tư, một người dân đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Lăng ông là một di tích rất đẹp và cổ kính. Đặc biệt theo quan niệm của mọi người thì tính ông rất ngay thẳng, luôn phù trợ cho những người lòng dạ ngay thẳng, dám nghĩ dám làm”.
Lăng Ông thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (giữa), Thiếu phó Lê Chất (phải), Kinh lược Phan Thanh Giản (trái) cùng các vị tiên hiền hậu hiền. Bên ngoài có phần mộ của song táng của Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn.
Lễ giỗ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần. “Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long- mã - phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam. Trong Lễ giỗ có hoạt động hát kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các Anh hùng liệt sĩ đóng góp công lao xây dựng đất nước”.
Nghi lễ tại lăng Ông cuốn hút du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật hát Bội cổ của thành Gia Định xưa luôn được tiến hành tại Lăng Ông suốt 3 ngày giỗ.
Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Khanh, Trưởng đoàn hát bội nói: “Chúng tôi biểu diễn tại lăng trong suốt thời gian cúng giỗ, bắt đầu từ lúc nửa đêm ngày 27/7 âm lịch. Nội dung hát bội là diễn các tuồng tích cổ xưa, nói về sự hình thành, phát triển của đất Gia Định”. Năm nay, ngoài phần hát nghi lễ, đoàn hát Bội còn diễn các vở: Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Thuyết Đường, San Hậu… Theo đúng truyền thống xưa, đoàn hát Bội lập một bàn thờ ngay trước sân khấu, đốt nhang lên rồi bắt đầu diễn. Khán giả đứng ngồi xem ngay trước điện thờ, hết sức phấn khởi. Vở diễn tái hiện hình ảnh tả quân Lê Văn Duyệt xử bố vợ của nhà vua vì tội lộng hành, tham nhũng vơ vét của công. Khán giả hết sức chú ý.
Cô Hiếu, một người làm công quả trong Lăng Ông, năm nay đã 85 tuổi, nói: “Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, riêng lễ giỗ Tả quân tất cả đều theo tục lệ xưa. Trong thành phố giờ không còn đoàn hát bội tư nhân nào, ngoài đoàn hát bội diễn trong lễ giỗ của ông. Nhờ có lễ giỗ ông mà người dân được xem nghệ thuật hát bội cổ ngay trong đình miếu”.
Hỏi ra mới biết, để phục vụ cho lễ giỗ, mấy chục nghệ sĩ hát Bội cổ của thành phố tập trung nhau lại luyện tập, biểu diễn. Chỉ riêng hóa trang khuôn mặt cũng mất từ 2 đến 3 giờ. Sau khi lễ giỗ ông kết thúc, mọi người ai về nhà nấy, lại đi làm những công việc khác!
Điểm đến hấp dẫn
Lễ giỗ lần thứ 187 Tổng trấn Gia Định Tả quân Lê Văn Duyệt có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo trong và ngoài nước tới theo dõi quay phim, chụp hình. Trong đó, có cả những phóng viên người Hồi giáo. Các phóng viên quốc tế cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu qua các tài liệu và được biết lễ giỗ Tả quân là sinh hoạt văn hóa xưa của người Gia Định”.
Anh Toàn, một hướng dẫn viên du lịch nói: “Hầu như ngày nào cũng có hàng chục đoàn khách nước ngoài tới tham quan Lăng Ông, ngày giỗ thì càng đông hơn nữa. Công trình này được làm bằng gỗ, chạm khắc công phu theo lối “trùng thiềm điệp ốc” - lối kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn. Đây là một trong những công trình lịch sử đậm tính kiến trúc Việt Nam nhất tại TPHCM, khác hẳn với các đình đền của người Hoa hay người Khơ Me”. Anh Toàn tiết lộ: “Tại Lăng Ông có nghi lễ xin xăm độc đáo. Khách nước ngoài tới đều một rút xăm thử xem thế nào!”.
Cô Hiếu có cách nhìn khác, cô kể: “Trước, chồng tôi làm công quả tại đây, chồng mất thì tôi thay ông tiếp tục làm công quả cùng mọi người, không nhận đồng thù lao nào. Mỗi ngày chúng tôi tiếp hàng ngàn du khách. Người dân có quan niệm rằng tính đức ông Tả quân rất thẳng, phép nước làm hàng đầu, không ai được làm sai. Vì thế, nếu có việc gì cần đến sự minh bạch, bền vững, trung thành và chữ tín trong công việc làm ăn, người ta cùng đến lăng và thề bồi với nhau, coi đó là lời thề cao cả hơn mọi hợp đồng văn bản!”.
Ban tổ chức lễ giỗ đức Tổng trấn Gia Định Tả quân Lê Văn Duyệt ước tính năm nay có khoảng 10 vạn du khách tới tham quan và dâng lễ trong dịp này.
Tổng trấn Gia Định Tả quân Lê Văn Duyệt (khoảng 1763 –28/8/1832) còn gọi là Tả quân Duyệt, là người nổi tiếng về liêm khiết và chống tham nhũng. Ông đã từng chặt đầu cha vợ vua là Huỳnh Công Lý - Phó Tổng trấn vì tội tham ô. Đại Nam thực lục còn ghi: Tháng 5 năm Tân Tỵ (1833), vua dạy: “Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại binh dân”. Tả quân Lê Văn Duyệt không có con nối dõi, nhưng tương truyền khi ông mất người dân đi đưa tang kéo dài mấy dặm.
“Người dân có quan niệm rằng tính đức ông Tả quân rất thẳng, phép nước làm hàng đầu, không ai được làm sai. Vì thế, nếu có việc gì cần đến sự minh bạch, bền vững, trung thành và chữ tín trong công việc làm ăn, người ta cùng đến lăng và thề bồi với nhau, coi đó là lời thề cao cả hơn mọi hợp đồng văn bản!”.
Cô Hiếu, người làm công quả trong Lăng Ông
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/doc-dao-le-gio-ta-quan-le-van-duyet-1462163.tpo