Độc đáo Lễ hội chùa Bạch Hào
Lễ hội chùa Bạch Hào (hay còn gọi là chùa Hào Xá) ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) diễn ra trong 3 ngày từ mùng 4-6 tháng giêng hằng năm. Sau 2 năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, lễ hội sôi nổi trở lại, thu hút hàng nghìn du khách.
Sáng 27.1 (mùng 6 tháng giêng), chính hội chùa Bạch Hào được khai mạc với nhiều nội dung đặc sắc. Phần lễ, 4 thôn tham gia rước sắc phong, dâng hương tại chùa và nhà tổ. Sau khi khai hội, đoàn rước đi một vòng quanh chùa và miếu Thành hoàng.
Sau phần lễ, các thôn tham gia phần hội. Đây là phần được người xem mong chờ nhất với các nội dung: thi bơi chải, thi té nước nấu cơm trên thuyền, thi bắt vịt. Các phần thi diễn ra ven sông Cửa Chùa (một nhánh của sông Hương).
Theo bà Phạm Thị Mây, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, lễ hội diễn ra hằng năm nhưng 2 năm qua phải dừng vì dịch Covid-19, năm nay người dân địa phương rất háo hức vì hội mở lại. Công tác chuẩn bị lễ hội, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự được xã thực hiện tốt.
Ông Nguyễn Xuân Quyền, một người dân trong xã cho biết: “Mấy năm nay mới thấy được không khí lễ hội vui vẻ, sôi nổi như thế. Thời tiết rét mướt, các đội té nước nấu cơm trên thuyền và bắt vịt lạnh hơn nhưng ai cũng rất háo hức".
Đây là lễ hội đầu tiên của huyện Thanh Hà trong xuân mới. Chùa Bạch Hào được xây dựng năm 1011, dưới thời vua Lý Thái Tổ. Lúc đầu, chùa xây cất đơn sơ bằng tre gỗ, đến khi vua Trần Nhân Tông xuất gia cửa Phật, về thăm và cho xây dựng lại chùa. Vì vậy, cùng với thờ Phật, chùa Bạch Hào còn thờ vua Trần Nhân Tông và 3 vị cư sĩ trong làng là Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên và Lý Đình Khuê. Bên cạnh chùa còn ba ngai thờ 3 vị thành hoàng bằng đá xanh ở cạnh chùa, vốn là miếu thành hoàng xưa. Chùa hiện còn 5 gian tiền đường, 2 gian thượng điện, 3 gian nhà tổ. Năm 1991 và năm 2004, tháp chuông và ngôi tam bảo của chùa lần lượt được xây dựng khang trang. Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như 10 tấm bia đá, hàng chục bản khắc gỗ kinh Phật có giá trị cao về tư liệu và nghệ thuật điêu khắc gỗ, vườn tháp, đồ thờ tự... Đặc biệt, hiện vật bệ đá hoa sen với những hoa văn hình rồng, cánh sen, 4 góc có hình chim thần Garuda đội tòa sen phía trên được chạm khắc tinh xảo.
Chùa Bạch Hào đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993. Năm 2015, Lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên Báo Hải Dương ghi lại tại Lễ hội chùa Bạch Hào:
MINH NGUYÊN
>>> Trầm mặc chùa Bạch Hào mùa lễ hội
>>> Trò chơi dân gian ở lễ hội chùa Bạch Hào
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc---le-hoi/video-doc-dao-le-hoi-chua-bach-hao-225446