Mùa Xuân năm 40, đất nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đông Hán. Hai Bà Trưng đã tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa, chiến đấu chống lại quân xâm lược. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã giành thắng lợi, thu phục được 65 thành trì, non sông thu về một mối, Nhân dân được hưởng thái bình.
Nhưng chỉ được 2 năm, năm 42 sau Công Nguyên, nhà Hán cử Mã viện – một tướng có nhiều kinh nghiệm, lại đem 2 vạn quân sang xâm lược nước ta. Sau 1 năm chiến đấu anh dũng, ngoan cường, vì sức yếu, quân ta phải lui về Cấn Khê, nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa.
Hai Bà Trưng dừng chân ở một quán nhỏ ven đường, được bà quán nước mách bảo phía trước là sông sâu, vận trời khó đoán, mong Hai Bà bảo trọng. Sau khi ăn bánh trôi, biết trước được vận trời, để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã sai quân mang chôn cất ấn tín, cùng đoàn quân gieo mình xuống dòng sông Hát (nay là sông Đáy). Và cũng từ đó, để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, hàng năm Nhân dân xã Hát Môn làm bánh trôi dâng cúng vào ngày giỗ (6/3 âm lịch).
Lễ rước bánh trôi là nghi lễ hết sức quan trọng và đặc trưng nhất của lễ hội truyền thống đền Hát Môn. Năm 2022, lễ rước có sự tham gia của Nhân dân 10 thôn và 1 khu dân cư mới. Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà được làm theo quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hòa thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
Những viên bánh trôi làm từ lúa gạo trong lễ hội đền Hát Môn thể hiện tín ngưỡng thờ lúa, đề cao hạt lúa và gửi gắm những ước mơ về mùa màng tươi tốt; phản ánh sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng miền và khẳng định tính bản địa của phong tục bánh trôi ở Việt Nam.
Một trong những tục lệ đặc biệt mà người dân xã Hát Môn duy trì từ hàng ngàn năm là trước khi dâng bánh trôi lên Hai Bà vào ngày giỗ (6/3 âm lịch), thì Nhân dân xã Hát Môn dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng đều không ăn bánh trôi. Tục lệ đó được truyền từ đời này sang đời khác như một nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, thể hiện sự tôn kính đối với Hai Bà.
Gần 2.000 năm đã trôi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội truyền thống đền Hát Môn vẫn giữ được sức sống mãnh liệt. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, đối với người dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung, bánh trôi dâng Hai Bà là một lễ vật độc đáo. Nó không đơn giản chỉ là thứ bánh thông thường mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, mang đậm yếu tố tâm linh.
Lễ vật bánh trôi của người dân xã Hát Môn được cúng vào 3 kỳ lễ hội trong năm, trong đó đại tiệc bánh trôi là ngày hôm nay (6/3 âm lịch), cũng là ngày giỗ của Hai Bà. Đây cũng là ngày toàn dân xã Hát Môn tưởng nhớ đến công lao, nghĩa khí của hai vị nữ anh hùng dân tộc, với ý chí tự lực, tự cường đã đứng lên tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa…
Trọng Tùng