Video: Độc đáo Lễ tảo mộ tại nghĩa trang đá của cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận.
Người Chăm sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận theo 3 tôn giáo chính là cộng đồng người Chăm Ahier theo đạo Bàlamôn, cộng đồng người Chăm Awal theo Hồi giáo Bàni và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam. Vì tín ngưỡng khác nhau nên mỗi cộng đồng sẽ có một điểm khác biệt trong phong tục, trong đó Lễ hội Kate Ninh Thuận là lễ hội đặc trưng của người Chăm Bàlamôn còn lễ hội Ramưwan là của người Chăm Bàni và Islam.
Lễ hội Ramưwan (Tết Ramưwan) gắn liền với các hoạt động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về gia đình, tổ tiên, luôn đặt hiếu đạo lên hàng đầu. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần bên nhau, những người con xa xứ trở về, làng bản cùng hòa trong không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt.
Lễ Ramưwan thường diễn ra vào tháng thứ 9 theo lịch mặt trăng của người Hồi giáo (không có ngày cố định theo dương lịch, thường sẽ rơi vào tầm tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, năm nay lễ Ramuwan rơi vào tháng 3 dương lịch).
Lễ Ramưwan gồm 3 phần cơ bản là lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ tịnh chay tại các chùa Hồi giáo Bàni và thánh đường Hồi giáo (Islam). Trong đó, lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất.
Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu thì tảo mộ ở những chỗ xa nhà, ngày thứ hai và thứ ba sẽ tảo mộ ở những chỗ gần nhà hơn. Trong lễ tảo mộ, tất các gia đình mặc trang phục truyền thống, mang theo lễ vật đi đến các nghĩa trang đá (Ghur) để cúng viếng.
Người Chăm Bàni quan niệm tảo mộ là nghi thức mời tổ tiên về ăn Tết, việc tảo mộ ở chỗ xa trước, làm lễ mời trước là để ông bà chôn cất ở nơi xa có thời gian nhiều để đi về nhà, kịp với ông bà chôn cất gần nhà.
Mộ của người Chăm Bàni không xây kiên cố mà chỉ đắp, phủ bằng cát lên mộ và đánh dấu bằng 2 hòn đá đặt định vị theo hướng Bắc - Nam (hướng Bắc là vị trí của phần đầu, hướng Nam là vị trí của phần chân người mất). Các mộ trong tộc họ được chôn với khoảng cách nằm gần nhau và xếp thành hàng dài rất đều. Có trường hợp cùng một ngôi mộ nhưng chôn chồng nhiều người lên nhau nên gọi là mộ chung.
Bắt đầu lễ tảo mộ, người thân trong tộc họ dùng tay vun cát lên từng phần mộ của dòng tộc mình, hàm ý là dọn dẹp.
Tiếp đó, dưới sự chủ lễ của các thầy Char, người thân của người đã khuất cùng nhau dâng cúng trầu cau, bánh trái… và vái lạy người đã khuất.
Thầy Char là người chủ lễ cúng, cầu kinh Coran (Kinh thánh chính của Hồi giáo)
Các vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết... trước khi được mời về gia đình vui lễ.
Các tu sĩ thực hiện nghi lễ (hay còn được gọi là Po Acar) niệm kinh rước linh hồn ông bà tổ tiên sẽ về nhà trong mùa Ramưwan và phù hộ cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Lễ tảo mộ hiện nay cũng thu hút nhiều du khách thập phương tới tham dự, bởi đây là một sự kiện độc đáo của người Chăm theo đạo Bàni, Islam nói riêng, nổi bật trong văn hóa Chăm tại Ninh Thuận nói chung.
Lễ Ramưwan có thể ví như là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni, nên lễ Ramưwan còn được gọi là “Lễ hội” hay “Tết” Ramưwan.
Phút thương nhớ của người sống trước bia mộ người quá cố.