Độc đáo mâm ngũ quả Đào Xá

PTĐT - Theo phong tục của người Việt Nam từ Bắc vào Nam, vào dịp Tết Nguyên đán, trên ban thờ mỗi gia đình đều bày mâm ngũ quả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng thành kính với các bậc Tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp, bình an, may mắn…

Mâm ngũ quả ở Đào Xá được trình bày công phu, đẹp mắt.

Mâm ngũ quả ở Đào Xá được trình bày công phu, đẹp mắt.

Chuối cẳm tay Phật – loại quả thường được lựa chọn khi làm mâm ngũ quả ở Đào Xá.

Chuối cẳm tay Phật – loại quả thường được lựa chọn khi làm mâm ngũ quả ở Đào Xá.

Tuy nhiên, việc bày mâm ngũ quả ở nhiều nơi chỉ chú trọng lựa chọn các loại quả phù hợp, quan tâm trình bày mặt trước, phía sau để khuyết… Còn những người làm mâm ngũ quả ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy lại có cách làm riêng, độc đáo từ việc chọn hoa quả, người làm gia đình phải đầy đủ, không vướng bụi, đến trình bày được xếp hình tháp tròn, đầy đặn cả bốn phía, rất công phu và có tính thẩm mỹ cao.

Ông Trần Xuân Trạch – khu 5, xã Đào Xá giới thiệu về mâm lễ dùng để bày mâm ngũ quả.

Ông Trần Xuân Trạch – khu 5, xã Đào Xá giới thiệu về mâm lễ dùng để bày mâm ngũ quả.

Đầu tiên là 3 nải chuối được xếp tròn kín quanh mâm tượng trưng cho sức sống mãnh liệt. Hình ảnh nải chuối trông như bàn tay trăm ngón xòe ra nâng các loại trái ngọt bên trong, thể hiện lòng thành kính của con cháu với Tổ tiên. Giữa ba nải chuối là quả bưởi (hoặc quả phật thủ, đu đủ) chín vàng tượng trưng cho mùa màng bội thu, cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, ấm no. Tiếp đến là cam, quýt, hồng... được xếp bao quanh, xen kẽ từ dưới lên theo hình tháp tròn. Quả cam sành màu nâu xám tượng trưng cho đất và những đức tính giản dị, chân thành, mộc mạc, sức mạnh của con người trong cuộc sống. Quả hồng màu hồng tươi tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Quả quýt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời tỏa sáng khắp bốn phương, luôn mang lại chiến thắng, thành đạt. Ngoài ra còn một số loại quả khác như táo, nho, quất, roi... được xếp xen kẽ làm cho mâm ngũ quả thêm đầy đặn, màu sắc hài hòa đẹp mắt, hai bên tứ bề đều cân đối, có trụ giữ chặt, không bị xô đổ, dù có được bày trên kiệu đặt rước quanh làng nhưng mâm quả không hề bị rơi rụng…

Các dụng cụ để bày cỗ thờ được người dân Đào Xá gìn giữ rất cẩn thận, chỉ sử dụng trong những dịp hội làng.

Các dụng cụ để bày cỗ thờ được người dân Đào Xá gìn giữ rất cẩn thận, chỉ sử dụng trong những dịp hội làng.

Ngoài làm mâm ngũ quả, theo truyền thống của làng, vào lễ hội Đình Đào Xá hằng năm sẽ có các lễ vật: Xôi gà, chè kho, bánh mật… Trong đó, gà lễ chọn gà trống thiến, do một hộ trong làng chăm sóc theo chế độ riêng, chủ yếu là ăn ngô và thóc luộc trong khoảng hơn 1 tháng cho da gà săn lại, khi nhổ lông không bị bung da, mã đảm bảo. Mỗi làng thường nuôi từ 2 – 3 “ông” gà, cách làm cũng rất công phu, sau khi hoàn thành “ông” gà đẹp mã mới được dùng dâng lễ, khuyết thì để lại…Ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nhiều đời nay, người dân xã Đào Xá luôn coi trọng việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức Tổ tiên… Hằng năm, vào dịp hội làng, chính quyền địa phương đều hỗ trợ các khu dân cư kinh phí để làm các mâm lễ, bà con rất phấn khởi, hồ hởi tham gia từ đó tạo mối quan hệ gắn bó bền chặt, gần gũi, thân tình trong cộng đồng. Đặc biệt, với cách trình bày độc đáo, đẹp mắt từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, mâm ngũ quả Đào Xá nhiều lần được lựa chọn dâng cúng các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, để những nét đẹp văn hóa ấy sẽ mãi lan tỏa, trường tồn với thời gian

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202102/doc-dao-mam-ngu-qua-dao-xa-175366