Độc đáo men rượu cần 'trống mái' của người Ba Na
Vào các dịp lễ, việc lớn, đặc biệt mùa Xuân, trong bữa cơm đãi khách của người Ba Na ở làng Dêr Tul Đoa (xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) không thể thiếu bình rượu cần được làm từ men 'trống mái' thơm ngon tuyệt hảo.
Chị Y Thu (36 tuổi, làng Dêr Tul Đoa) chia sẻ, để làm được loại men này phải có cây hyam, củ riềng dại, ớt, gạo… Cây hyam chỉ được tìm thấy trong rừng có 2 loại, một cho nhựa trắng và một cho nhựa vàng. Tuy nhiên, chỉ loại cho nhựa vàng mới làm được men rượu ngon, còn loại nhựa trắng có vị chua, không làm được men. Nguyên liệu trên sẽ được những người phụ nữ dùng chày giã nát trong cối gỗ. “Việc giã nguyên liệu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng men. Giã phải đều tay, nhịp nhàng. Bí quyết làm men ngon, cho rượu không đau cái đầu là phải làm nhiều người, nếu làm một mình sẽ không ngon đâu”– Chị Thu nói.
Vỏ cây hyam
Hỗn hợp vừa giã nát sẽ được trộn với nước, nặn thành từng miếng. Trong một mẻ men, người Ba Na sẽ nặn một bánh men có hình dạng chữ nhật được gọi là men trống, một bánh men có hình tròn được gọi là men mai. Người nơi đây quan niệm, Yàng (thần linh) tạo ra vạn vật đều có đôi, có cặp, men rượu cũng vậy.
Nặn bánh men xong, bà Hyơih (60 tuổi) được mời đến khấn, gọi ông Nhức về. Mặc trang phục truyền thống, bà Hyơih đứng trước những bánh men nói “Ơi ông Nhức ơi, ông dậy đi, đừng ngủ nữa. Dậy để làm rượu cho nó ngon, để dân làng mình uống cho nó vui vẻ, cả dân cả làng tụ tập cho vui, để dân làng làm ăn ngày càng tiến tới. Dậy đi để cho dân làng được ấm no, hạnh phúc, dậy đi đánh thức cho dân làng phát triển…Dậy đi ông Nhức ơi”. Theo bà Hyơih, ông Nhức được người dân xem là thành viên tâm linh của làng, có tính chịu khó, khi say luôn ca hát, khiến mọi người vui tươi, quên đi vất vả mệt nhọc.
Vỏ cây hyam được giã nát
Sau công đoạn này, men tiếp tục được phủ lá dưới và vỏ cây hyam bên trên, để trong thời gian 3 ngày. Cuối cùng men được gác lên trên bếp lửa, tạo hương vị khói củi. Sau một tuần thì sử dụng được. Men rượu có thể trộn với nhiều nguyên liệu khác nhau như bo bo, nếp trắng, củ mì…để tạo ra một bình rượu cần thơm ngon.
“Bình rượu của người Ba Na có rất nhiều lớp. Dưới đáy là trấu. Tới lá hyam. Lớp nguyên liệu ở giữ quan trọng nhất là men rượu trống mái được trộn với nguyên liệu. Sau đó tiếp tục phủ lên một lớp lá chuối. Cuối cùng là dùng bì ni lông đạy kín. Rượu cần được ủ càng lâu thì càng thơm ngon” – Chị Y Thu chia sẻ.