Độc đáo mô hình bảo tồn phát triển nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Hạ

Vùng đất rừng U Minh Hạ từng có nguồn lợi cá đồng phong phú, đa dạng, thiên nhiên ưu đãi. Khi xưa mỗi lần người dân chụp đìa thu hàng tấn cá lóc, cá rô, cá thác lác, cá trê... Hiện nay nguồn lợi cá đồng ngày càng suy giảm, cơ quan chức năng địa phương đang triển khai các giải pháp tái tạo bảo vệ nguồn lợi cá đồng.

Nông dân thu hoạch cá đồng tại huyện U Minh. (Ảnh trong bài: T.Nghĩa)

Nông dân thu hoạch cá đồng tại huyện U Minh. (Ảnh trong bài: T.Nghĩa)

Nguồn lợi cá đồng giảm đến 80%

Theo một số người dân ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), trước đây nguồn lợi cá đồng 10 phần thì nay chỉ còn 1 - 2 phần. Một trong những nguyên nhân chính làm cho nguồn lợi cá đồng giảm là sự tác động của môi trường.

Ngày trước, bà con trồng tràm truyền thống, môi trường tự nhiên trong các kênh mương trên lâm phần ít bị tác động, nên cá đồng có điều kiện sinh sản, phát triển. Những năm gần đây, đa phần người dân trồng rừng theo hình thức thâm canh, cuốc mương sâu để lên liếp trồng, lượng phèn đọng dưới kênh mương ngày càng nhiều. Đặc biệt, những khu vực trồng keo lai dường như tác động đến môi trường sống cá đồng nhiều hơn nên có rất ít cá đồng.

Ông Trần Minh Đức nêu quan điểm: “Trồng keo lai, tràm thâm canh, thì bị đọng phèn suốt năm, Có nơi lá keo lai rụng xuống ao, đìa, làm cho nước trong veo như mắt mèo, nuôi cá không được”.

Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức, khai thác kiểu tận diệt của chính một số người dân cũng làm nguồn lợi cá đồng giảm mạnh. Ông Lê Văn An (ngụ ở xã Khánh Lâm) cho biết, qua quan sát đúc kết hơn 20 năm, nhận thấy nguồn lợi cá đồng cứ giảm dần, đến khoảng 2014 khi nhiều người dân chuyển dịch nhiều qua trồng keo lai thì chất phèn lên càng nhiều, cá đồng không sinh sống được. Thêm nữa là một số người xiệc cá bằng xung điện (chích điện) làm nguồn cá giảm đi khoảng 90%.

Để khôi phục nguồn lợi cá đồng, gần đây cơ quan chức năng huyện U Minh đã tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác có tính hủy diệt, tận diệt. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, xử lý vi phạm 19 trường hợp xiệc cá bằng xung điện, thu giữ 19 bộ xiệc điện. Đồng thời, qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu được tác hại của việc xiệc cá bằng xung điện, đã tự nguyện giao nộp lại 281 bộ xiệc.

“Tôi thấy Nhà nước tuyên truyền rất đúng. Dùng xung điện xiệc cá vừa có thể làm bản thân gặp nguy hiểm, vừa ảnh hưởng xã hội, làm tổn hại nguồn lợi thủy sản, làm giảm nguồn cá ngoài sông, kênh rạch. Nên bỏ, rồi kiếm nghề khác làm”, ông Nguyễn Hữu Lâm (một người tự nguyện giao nộp bộ xiệc điện ở xã Nguyễn Phích) nói.

Người dân tự nguyện giao nộp bộ xiệc điện ở xã Nguyễn Phích.

Người dân tự nguyện giao nộp bộ xiệc điện ở xã Nguyễn Phích.

Vừa khai thác đúng cách, vừa bảo vệ

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Phòng đã phối hợp Hội Nông dân huyện khảo sát, chọn 4 xã để xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng. Nếu cá đồng không còn nhiều thì sẽ bổ sung để người dân phát triển nuôi, tái tạo lại. Đến khi thu hoạch thì ương dưỡng lại cá bố mẹ để duy trì, phát triển tiếp nguồn cá... “Để tái tạo nguồn lợi cá đồng, cần ý thức của người dân trong việc khai thác đi đôi với bảo vệ, hướng tới phát triển bền vững nguồn lợi cá đồng”, bà Ửng nói.

Việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với tái tạo nguồn lợi cá đồng cũng được cơ quan chức năng quan tâm. Trong đó, có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững như: Trồng màu, trồng chuối, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng. Đặc biệt, mô hình trồng bồn kết hợp nuôi cá đồng mang lại hiệu quả rất cao, lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lựa chọn hội viên tham gia dự án. Thành lập các Chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã; cho hội viên, nông dân cam kết không khai thác thủy sản mang tính hủy diệt…

Trước đó, Hội Nông dân tỉnh Cà Mau và UBND huyện U Minh đã ký kết chương trình phối hợp khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn lợi cá đồng trên địa bàn huyện U Minh, giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, huyện có 4 xã tham gia chương trình ký kết gồm Khánh An, Khánh Thuận, Nguyễn Phích và Khánh Lâm, trên 100 hộ nuôi với hơn 120ha.

Thông qua chương trình sẽ khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn lợi cá đồng; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doc-dao-mo-hinh-bao-ton-phat-trien-nguon-loi-ca-dong-vung-u-minh-ha-post514679.html