Độc đáo mô hình kinh doanh cho người tự kỷ

Trao cơ hội để người tự kỷ có thể làm việc, thể hiện khả năng của bản thân cũng như hòa nhập cộng đồng - đó là mục đích của Dự án các mô hình kinh tế cho người tự kỷ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp cũng như kỹ năng xã hội khiến người tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập hay tìm được công việc phù hợp.

Thấu hiểu điều đó, anh Nguyễn Đức Trung - Giám đốc điều hành Dự án các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ đã triển khai các mô hình kinh tế vừa và nhỏ để giúp người tự kỷ tham gia vào lao động.

 Nơi làm việc đặc biệt của những người tự kỷ.

Nơi làm việc đặc biệt của những người tự kỷ.

“Mô hình với cách gọi thân thương là doanh nghiệp hạnh phúc. Người tự kỷ là nhân viên được đào tạo việc làm bền vững, chuyên nghiệp. Tôi sẽ trực tiếp dạy các cách làm bánh pizza, pha cà phê, sử dụng tiếng Anh, công nghệ thông tin”, anh Trung cho biết.

Cũng theo anh Trung, người tự kỷ có khả năng tập trung vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có thời gian và công thức thực hiện rõ ràng. Chính vì vậy, anh mất 6 năm từ nghiên cứu, đến thí nghiệm và thực hiện mô hình.

“Mỗi người tôi sẽ mất 9 tháng để đào tạo. Hiện những người lao động tại đây không nhận lương tháng mà nhận thu nhập theo ngày từ doanh số kinh doanh. Những công việc mở giúp người tự kỷ thêm cơ hội giao lưu, tăng khả năng hòa nhập cộng đồng”, anh Trung cho biết thêm.

 Người tự kỷ là nhân viên, được đào tạo việc làm bền vững, chuyên nghiệp.

Người tự kỷ là nhân viên, được đào tạo việc làm bền vững, chuyên nghiệp.

Anh Lê Xuân Tùng là một trong số 8 người tự kỷ được anh Trung đào tạo nhiều năm để trở thành nhân viên thực thụ. Từ một người có nhiều những trở ngại trong khả năng giao tiếp xã hội, giờ đây anh đã có thể tự tin hoàn thành tốt vai trò phó giám đốc dự án.

“Trong cùng một cơ sở chúng tôi có tổng hợp các dịch vụ từ siêu thị, nhà hàng ăn uống cho đến thư viện thuê mượn và bán sách. Công việc của tôi là quản lý và giám sát tất cả mọi người. Tôi rất vui khi được làm công việc này vì tôi thấy mình có giá trị và có thể tự nuôi sống bản thân”, anh Tùng nói.

 Anh Tùng được giao nhiệm vụ quan trọng là làm phó giám đốc dự án.

Anh Tùng được giao nhiệm vụ quan trọng là làm phó giám đốc dự án.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất của dự án, Ngô Khôi Nguyên hàng ngày chăm chỉ làm việc và giúp đỡ mọi người thuê mượn các loại sách khác nhau.

“Đi làm về được bố mẹ khen, em cảm thấy vui khi được thanh toán tiền lương và được làm việc”, Nguyên nói.

 Người lao động đặc biệt nên mô hình làm việc cũng đặc biệt hơn.

Người lao động đặc biệt nên mô hình làm việc cũng đặc biệt hơn.

Dự án các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ sẽ giúp họ có thêm cơ hội giao lưu, tăng cường khả năng hòa nhập cộng đồng cũng như đóng góp sức mình trong môi trường làm việc bền vững, chuyên nghiệp và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Phúc Ân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-mo-hinh-kinh-doanh-cho-nguoi-tu-ky-post267447.html