Độc đáo mứt hành tím
Khi nhắc đến hành tím, chúng ta nghĩ ngay đến một loại củ có mùi hăng, cay và chỉ dùng làm gia vị, nhưng chị Phạm Thị Mới, ở Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã 'biến hóa' củ hành tím thành loại mứt độc đáo, góp phần nâng cao giá trị, tạo thêm đầu ra cho nông dân trồng hành xứ biển Vĩnh Châu.
Dù sản phẩm mới xuất hiện hơn 7 tháng nhưng đến nay, thương hiệu mứt hành tím Cô Mới đã được nhiều người biết đến bởi sự độc đáo, mới mẻ và không kém phần ngon lạ được làm từ củ hành tím.
Theo chị Mới, năm 2021, thời điểm hành tím Vĩnh Châu rớt giá, rồi đại dịch Covid-19 bùng phát, lúc đó nhiều chương trình hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ hành tím được đẩy mạnh và chị cũng mua 200kg hành về để chế biến hành phi, hành sấy khô, hành ngâm chua ngọt, bột củ hành tím nhưng vẫn còn tồn một nửa. Sau thời gian ngắn hành bắt đầu hư hỏng phải bỏ đi rất phí, lúc này chị Mới luôn trăn trở làm sao để củ hành tím giữ được lâu, tạo ra sản phẩm độc lạ và ý tưởng đem hành làm mứt đã được chị thử nghiệm.
Sau hơn 10 lần thất bại và không ngại nhờ bạn bè, người thân “test” thử sản phẩm, đến tháng 10-2021, mứt hành tím chính thức có mặt tại Sóc Trăng và 2 tháng sau, chị đã có đơn hàng từ Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Trà Vinh, Kiên Giang… đặc biệt là có mặt tại Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng. Khi mứt hành tím nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, chị Mới vui lắm, vì chị góp phần tạo ra sản phẩm mới từ sản vật quê hương, đồng nghĩa với việc giúp nông dân có thêm đầu ra cho nông sản.
Để có mẻ mứt hành như ý, chị chọn loại hành to (hành cồ), tươi để có độ giòn và phải trải qua rất nhiều công đoạn như: ngâm, lột tách, ướp đường, làm lạnh, sên, phơi… và cuối cùng là đóng gói. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ, khó nhất là khâu khử mùi, nếu làm không đúng cách mứt sẽ quá hăng, cay hoặc không còn mùi hành tím khi ăn là coi như thất bại. Ngoài ra, khâu sên mứt cũng không kém phần quan trọng, nếu sên lửa to hoặc nhỏ quá cũng làm hỏng cả chảo hành, khi sên mứt, đôi tay phải đảo liên tục nhưng thật nhẹ nhàng tránh làm nát hành, nếu trong chảo có vệt đường bị vàng quá cũng phải lau ngay, nếu không màu tự nhiên của hành tím sẽ bị biến đổi. Vì vậy, mứt hành tím phần lớn đều được làm thủ công và sau 5 ngày mới cho ra thành phẩm hoàn chỉnh, mùi hành được lưu giữ khoảng 10 - 15%, có độ dai, giòn, đảm bảo người dùng biết được mình đang ăn mứt hành tím chứ không phải một loại mứt nào khác.
Chị Mới cho biết thêm, khi làm mứt, chị chỉ sử dụng duy nhất hành tím được trồng tại TX. Vĩnh Châu, bởi sản phẩm hành tím nơi đây đã được chỉ dẫn địa lý, củ hành có hàm lượng dinh dưỡng (vitamin C, vitamin B6, canxi, chất xơ... tốt cho sức khỏe) cao nhất so với hành tím trồng tại các nơi khác. 1kg hành tím tươi sau khi chế biến sẽ cho ra 300g mứt hành và trong quá trình làm mứt chị Mới đã tạo thêm sản phẩm phụ là nước màu củ hành (nguyên chất) có thể dùng tạo màu khi kho thịt, cá... đang được đưa ra thị trường. Tính đến nay, chị Mới đã bán khoảng 2.500 hộp mứt hành tím với giá 65.000 đồng/hộp 300g và đang giới thiệu sản phẩm nước màu củ hành đến người tiêu dùng có giá 40.000 đồng/chai 250ml. Hiện cơ sở sản xuất của chị Mới nhận được nhiều đơn hàng từ các cơ quan, đơn vị trong, ngoài tỉnh, nhờ đó số lượng tiêu thụ hành tím cũng tăng theo, bình quân khoảng 150kg hành/tuần để làm mứt và giúp giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương.
Đặc biệt, mới đây sản phẩm mứt hành tím Cô Mới vừa được TP. Sóc Trăng công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, tạo điều kiện cho sản phẩm tiếp cận với thị trường mới, người tiêu dùng khó tính. Đây là niềm vui, động lực rất lớn để chị tiếp tục nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm độc lạ, chất lượng từ nông sản quê hương. Tuy chỉ mới thành công bước đầu nhưng với ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, không ngại thất bại, năng động, sáng tạo, chắc chắn hành trình khởi nghiệp của chị Phạm Thị Mới sẽ thuận lợi và thành công.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/doc-dao-mut-hanh-tim-56691.html