Độc đáo nghề bọc điếu cày
Bỏ nghề cơ khí, 'nghệ nhân' Hải Điếu quyết gắn những năm tháng của mình với chiếc điếu cày. Sau 10 năm, thương hiệu Hải Điếu Cầu Sâng đã đi khắp các tỉnh thành, đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Họ biết đến ông bởi nghề bọc đồng cho điếu.
Một công đoạn của nghề bọc điếu cày.
Đến cầu Sâng, hỏi “Hải Điếu” hầu hết ai cùng biết. Căn nhà nhỏ số 433B đường Trần Hưng Đạo (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) là nơi người thợ tài hoa Phạm Văn Hải mở tiệm bày bán và bọc điếu cày.
Là chủ nhiệm CLB Điếu cày xứ Thanh, ông Hải được nhiều người vui tính đặt cho cái tên quen thuộc “Hải Điếu Cầu Sâng”. Vốn có tên gọi như thế bởi cái tên Hải Điếu đã gắn bó với ông kể từ ngày ông làm nghề bọc đồng cho điếu cày. Đây là thứ nghề ít ai biết đến, bởi chỉ số ít những người chơi điếu cày mới ham đến vậy.
Ít ai biết được, ông Hải đã từng là một trong số những quân nhân, sau khi về quê ông gắn mình với nghề cơ khí. Thu nhập cũng đủ nuôi sống gia đình. Thế nhưng, cách đây 10 năm, trong một lần tình cờ ông bắt gặp những người thợ bọc điếu, xét thấy đây là một nghề khá độc và lạ lại đem lợi nhuận cao. Kể từ đó, ông bắt tay vào học nghề và cái đam mê cũng từ đó manh nha trên đôi bàn tay từ lúc nào không hay.
Ông kể, để có được những chiếc điếu như thế này rất kỳ công, từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn thực hiện. Ống nứa làm điếu được nhập từ huyện Lang Chánh, ống trúc được lấy từ Phú Thọ, dây mây để nịt thân điếu thì lấy từ xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa).
Những lá đồng được điêu khắc tinh xảo các khoa văn rồi cán vào khung để gắn vào điếu cày. Thông thường, những chiếc điếu bọc đồng sẽ có giá rẻ hơn điếu bọc mây. Mỗi chiếc điếu bọc đồng có giá từ 150 nghìn đồng/1 cái, bọc mây có giá 200 nghìn đồng/1 cái. Mỗi ngày tại xưởng ông Hải sản xuất từ 30 – 35 chiếc, xuất đi nhiều nơi.
Đây là những lá đồng được điêu khắc với các hoa văn đẹp mắt như rồng, phượng, tiều phu và các câu đối hay về điếu.
Sau khi đo đủ kích thước, những lá đồng được tạo hình trụ tròn, hàn xì chắc chắn để gắn vào thân điếu.
Công đoạn cuối cùng trong tạo khung lá đồng đó chính là đánh nhẵn vết hàn, nắn khung và tạo bóng cho những khuôn đồng.
Từng công đoạn được các nghệ nhân tại đây tỷ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.
Sau khi bọc xong các lá đồng, những chiếc điếu này sẽ được buộc chân điếu bằng sợi dây mây chắc chắn.
Em Nguyễn Văn Tuấn (18 tuổi, phường Trường Thi), một thợ bọc điếu tại xưởng điếu cày của ông Hải đang hoàn thiện chiếc điếu cho khách.
Những chiếc điếu cày sau khi hoàn thiện được nhiều khách hàng đến chiêm ngưỡng, tìm mua.
Nhiều người còn quay video để gửi cho bạn bè, mua tặng hoặc biếu làm quà.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doc-dao-nghe-boc-dieu-cay/110107.htm