Làng nghề Phú Mỹ, hay còn được gọi là "làng thúng chai" thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Người dân địa phương không thể nhớ rõ thời điểm hình thành làng làm thúng chai nhưng làng đã trải qua hàng chục năm phát triển. Thời cao điểm có khoảng 50 hộ làm thúng chai, nhưng do thu nhập bấp bênh, đến nay chỉ còn ít hộ bám trụ với nghề.
Ông Võ Văn Khương - Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết, hiện làng làm thúng chai còn 10 hộ. Hầu hết các hộ chỉ phụ trách từng khâu nhỏ rồi liên kết với nhau, xem đây là công việc làm thêm chứ không phải cả quy trình như trước đây. Riêng gia đình ông Trương Văn Trung và vợ là chị Trương Thị Bích Kiều có nguồn bán hàng ổn định nên giữ được nghề làm thúng chai.
Theo ông Trung, làm thúng chai phải qua nhiều công đoạn. Tre phải chọn loại tre mỡ, không già cũng không non. Những cây tre này được lấy từ nhiều khu vực ven sông huyện Tuy An sẽ được chẻ nhỏ, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 - 5 nắng, dùng cho nhiều công đoạn làm thuyền thúng.
Tre được vót mỏng dùng làm mê thúng. Đây là công đoạn khó, người thợ phải lành nghề và khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và đạt độ bền cao.
Tiếp đến là công đoạn lận vành, bằng cách đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê thúng đã đan xong xuống hầm. Công đoạn này chỉ một người làm và mất khoảng hai ngày thực hiện. Theo ông Trung, đây là một trong những công đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm để chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ.
Tiếp đến là công đoạn trét phân bò rồi mới đến trét dầu rái. Điểm đặc biệt là người dân tại đây hay dùng phân bò để lấp đầy từng kẽ nan, cho thúng không bị hở.
Dầu rái được đặt hàng từ người dân địa phương và có độ đậm đặc khác nhau. Nên khi mua về người thợ sẽ pha cùng dầu hỏa sao cho ra một độ hài hòa nhất định mới có thể trét lên thúng.
Ưu điểm của thúng chai Phú Mỹ là rất khó bị lật khi đi biển, dễ xoay trong không gian hẹp bởi dạng hình tròn. Hơn nữa, thúng chai làm bằng tre khi bị rách, thủng có thể đem về trét và vá lại được. Riêng thúng chai nhựa nếu bị vỡ do đâm va thì khó thể sử dụng lại được nữa.
Tùy theo nhu cầu của khách hàng các thúng chai sẽ được "trang trí" để gửi đi bán hoặc phục vụ cho các cơ sở du lịch tại nhiều địa phương như Nha Trang - Khánh Hòa, Hội An - Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh hoặc xuất đi một số nước ở Đông Nam Á và Châu âu. Mỗi thúng được gia đình ông Trung bán với giá 1,8-3 triệu đồng.
Theo gia đình ông Trung, cách đây 10 năm làng nghề rất nhộn nhịp, thu nhập người dân ổn định. Nhưng đến nay, nghề có thu nhập bấp bênh, lại cạnh tranh với thúng nhựa, nên nhiều người đã bỏ nghề. Gia đình ông Trung do có đầu ra ổn định nên vẫn bám trụ được với nghề.
Ông Võ Văn Khương cho biết sẽ vận động cho hộ của ông Trung đăng ký OCOP để sản phẩm được lan rộng, tạo thương hiệu, góp phần gìn giữ làng nghề.
Trung Nhân