Độc đáo nghề 'nặn' bưởi

Bưởi là thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp tết cổ truyền. Trên thị trường Tết Nguyên đán năm nay, không chỉ có những quả bưởi tròn truyền thống mà còn 'sốt' loại bưởi với đủ mọi hình dáng...

Anh Nguyễn Văn Đức ở khu Hương Tran, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê cùng quả bưởi tạo hình đĩnh vàng.

Anh Nguyễn Văn Đức ở khu Hương Tran, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê cùng quả bưởi tạo hình đĩnh vàng.

PTĐT - Bưởi là thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp tết cổ truyền. Trên thị trường Tết Nguyên đán năm nay, không chỉ có những quả bưởi tròn truyền thống mà còn “sốt” loại bưởi với đủ mọi hình dáng: Đĩnh vàng, hồ lô, in chữ phúc, lộc, thọ... Những quả bưởi “lạ” này mang lại giá trị kinh tế cao hơn bưởi truyền thống cả chục lần.
Đến thăm vườn bưởi của anh Nguyễn Văn Đức tại khu Hương Tran, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê vào những ngày cuối tháng Chạp, tôi được anh cho xem những quả bưởi Diễn được anh “nhào nặn” đủ mọi hình thù. Đây là năm thứ hai, anh gắn bó với tạo hình bưởi. Với anh, ngoài giá trị kinh tế, đó cũng là đam mê tìm tòi sáng tạo ra cái mới.Trước khi chuyển qua làm bưởi tạo hình, anh Đức có nhiều năm gắn bó với cây bưởi truyền thống. Vườn bưởi gần 100 gốc, tốn nhiều công chăm sóc mà giá thành quả bưởi lại bấp bênh. Năm nào bội thu lắm thì cũng chỉ lãi vỏn vẹn trên chục triệu đồng một vụ. Anh xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy người trồng bưởi trong miền Nam trở thành tỷ phú nhờ loại bưởi tạo hình độc đáo. Thế là anh bắt tay vào mày mò quy trình làm ra quả bưởi tạo hình trong chính vườn nhà mình.

Quả bưởi tạo hình tròn nổi chữ lộc.

Quả bưởi tạo hình tròn nổi chữ lộc.

Quy cách chăm sóc cây bưởi tạo hình không khác gì bưởi truyền thống. Đến tháng 4 Âm lịch, khi quả bưởi to bằng cái chén là lúc anh bắt đầu ép khuôn. Khuôn bưởi làm từ nhựa cứng, trong suốt, mang nhiều hình dáng, bắt vít quanh khuôn để cố định quả bưởi sao cho không bị nứt, vỡ. Anh Đức sử dụng hai loại khuôn là khuôn tròn và khuôn hình đĩnh vàng, tất cả đều in nổi chữ phúc, lộc, thọ. Sau khi ép bưởi vào khuôn, người trồng bưởi tiến hành chăm sóc như bình thường. Khi quả lớn lấp đầy khuôn là có thể cắt xuống, bán cho khách hàng. Bưởi tạo hình đạt yêu cầu không chỉ có hình thù đẹp mà phải có hương thơm, nặng từ 0,8 - 1,3 kg. Vỏ bưởi nhẵn mịn, không sần sùi, màu vàng óng. Bưởi được người dân ưa chuộng bày trên mâm ngũ quả vào ngày tết. Mỗi cặp bưởi chất lượng tốt có giá thành từ 400.000 - 550.000 đồng, tuy giá cao là vậy nhưng luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.Khó khăn lớn nhất khi trồng bưởi tạo hình đó là mua được khuôn chuẩn và chọn quả để ép vào khuôn. Khuôn phải cứng, dai, lực ép mạnh để khi quả lớn không bị nứt vỡ. Quả vừa phải, không được to quá cũng không được nhỏ quá, nếu không thành phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Vì vậy, thật không ngoa thì nói rằng những người làm nghề “nặn” bưởi là những người nghệ sĩ có bàn tay tài hoa.

Quả bưởi hình đĩnh vàng.

Quả bưởi hình đĩnh vàng.

Anh Đức chia sẻ: “Do không được đào tạo bài bản cùng với giá thành khuôn bưởi khá cao, khoảng từ 60.000 - 70.000 đồng/khuôn, nên rủi ro khi làm bưởi tạo hình tương đối lớn. Nhưng chỉ cần kiên trì, bền bỉ thì bưởi tạo hình sẽ mang lại cho người trồng khoản thu nhập cao hơn rất nhiều so với bưởi thương phẩm truyền thống”.Tết Nguyên đán năm nay, vườn bưởi của anh Đức dự kiến xuất bán khoảng 100 quả bưởi tạo hình, mang lại thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng. Trong bối cảnh cây bưởi “lên ngôi” và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh, việc tìm tòi, phát triển những hướng đi mới như bưởi tạo hình là điều kiện cần thiết để giúp quả bưởi Phú Thọ tăng giá trị trên thị trường.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202102/doc-dao-nghe-nan-buoi-175210