Độc đáo nghề nhuộm chàm và in sáp ong của người Dao

PTĐT - Nói đến nghề thủ công truyền thống của người Dao ở Phú Thọ không thể không nhắc đến nghề nhuộm chàm và in sáp ong hiện vẫn còn được lưu giữ tại bản Bồ Xồ, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn.

Phụ nữ Dao đi hái lá chàm

Phụ nữ Dao đi hái lá chàm

PTĐT - Nói đến nghề thủ công truyền thống của người Dao ở Phú Thọ không thể không nhắc đến nghề nhuộm chàm và in sáp ong hiện vẫn còn được lưu giữ tại bản Bồ Xồ, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn. Mặc dù ngày nay người Dao ít sử dụng các trang phục truyền thống có nhuộm chàm và in sáp ong trong sinh hoạt thường ngày, mà thường chỉ sử dụng vào dịp hội hè hay cấp sắc, tết nhảy… nhưng nghề nhuộm chàm và in sáp ong vẫn được coi là nét đẹp văn hóa của đồng bào Dao.Trong gia đình người Dao, phụ nữ sẽ thực hiện quá trình nhuộm chàm và in sáp ong. Thường khi con gái 15, 16 tuổi được dạy học nhuộm và in sáp ong. Đến khi lấy chồng họ sẽ mang theo vài bộ váy áo đã nhuộm sẵn để sử dụng.

Công đoạn in sáp ong

Công đoạn in sáp ong

Cây dùng để nhuộm chàm là cây thân cỏ, thân không cao, lá có màu sậm, hoa màu tím nhạt. Cây chàm dùng để nhuộm phải được chặt tận gốc, rồi cho vào thùng, đổ nước ngập, đậy kín nắp ủ từ hai đến ba ngày. Sau khi chàm ngâm đã phai ra nước, nước có màu chàm thì dùng dụng cụ riêng, theo tiếng Dao gọi là “chiêng làm som” để khuấy đều lên cho đến khi nổi bọt. Sau đó lấy vôi bột trộn vào nước chàm tạo thành dung dịch sánh. Bên cạnh đó còn có một loại nước được dùng để trộn với nước chàm được làm từ gio đun bếp. Gio được cho vào tải, đặt vào một sọt tre rồi để trên cao. Người ta sẽ đổ nước vào trong sọt từ trên xuống rồi hứng lấy nước ở phía dưới. Nước có màu đỏ đậm, được đem trộn cùng với nước chàm rồi ủ trong vòng 1 tuần. Theo kinh nghiệm của người Dao, nước gio sẽ giúp vải bắt màu hơn khi nhuộm. Mảnh vải sẽ được in sáp ong trước khi đem đi nhuộm chàm. Thời xưa người Dao thường tự làm sáp ong từ những tổ ong mật rừng quý hiếm. Sau khi tách mật người ta sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Phần nước này sẽ được đun cho đến khi nước cô đặc lại rồi để khoảng 2-3ngày sẽ tạo thành khối sáp mịn. Ngày nay do ong rừng hiếm hơn nên người Dao không còn làm sáp nữa mà thường mua ở chợ phiên. Khi sử dụng, sáp ong được nấu trên bếp cho tan chảy nhưng lại không được quá nóng để khi in không bị lan ra vải. Họ dùng một dụng cụ được làm từ tre gọi là “Chun”. Thông thường họ dùng khuôn để in hoa văn cho nhanh và hoa văn được đều nhau nhưng cũng có thể nhuộm thủ công bằng dụng cụ gọi là “Hau”. Bên cạnh đó, họ cũng dùng lá chít như chiếc thước kẻ để tạo các hoa văn hình thoi, hình vuông….Loại lá này giúp sáp ong không bị thấm ra vải. Lá chít được chọn là lá to, bỏ phần cuống giữa rồi phơi khô để sử dụng. Sau khi tạo ra các hoa văn, người phụ nữ Dao sẽ tỉ mỉ phủ sáp ong lên toàn bộ hoa văn để các hoa văn này giữ nguyên được màu trắng trong quá trình mảnh vải được đem đi nhuộm chàm. Hỗn hợp nước gio và chàm sau khi ngâm cùng vôi sẽ được chắt bỏ nước trong, để lại phần bột sánh để nhuộm. Vải trắng được thả vào trong chậu nước này trong vòng một tiếng rồi vớt lên phơi khô, rồi lại cho vào ngâm. Sau khi ngâm và phơi khô đủ thì vải được nhúng nước sôi để loại bỏ sáp ong. Như vậy để hoàn thiện 1 mảnh vải nhuộm chàm và in sáp ong, người phụ nữ Dao cần khoảng 30 ngày cho tất cả các công đoạn.

Mảnh vải đang trong quá trình nhuộm chàm

Mảnh vải đang trong quá trình nhuộm chàm

Bà Lê Thị Thân, bản Bồ Xồ chia sẻ: “Mẹ tôi dạy chị em tôi nhuộm chàm và in sáp ong từ năm 16 tuổi. Suốt 40 năm qua, tôi đã tự làm được nhiều áo, váy cho mình, các con, cháu trong gia đình để sử dụng trong các dịp lễ, Tết, cấp sắc… Tôi cảm thấy rất tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của người Dao. Hiện nay tôi đang dạy các con, cháu mình nghề này để sau này các thế hệ trong gia đình mình có thể gìn giữ được nét đẹp của dân tộc, của quê hương”. Ông Lê Văn Mai, trưởng khu Bồ Xồ cũng cho biết: “Nghề nhuộm chàm và in sáp ong của địa phương hiện nay đang được một số gia đình làm. Địa phương rất mong muốn các cấp chính quyền có những chính sách ưu đãi để việc tổ chức nghề thủ công này được tập trung, sản phẩm có nơi tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế địa phương”. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thế hệ những người già nơi đây vẫn thường xuyên truyền dạy cho con cháu và khơi gợi niềm tự hào về nghề thủ công truyền thống độc đáo của người Dao để mỗi người có trách nhiệm lưu truyền và phát huy.

Mỹ Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202006/doc-dao-nghe-nhuom-cham-va-in-sap-ong-cua-nguoi-dao-171101