Độc đáo nghệ thuật Lân Sư Rồng Bình Dương – Bài 1
Bài 1: Nét văn hóa đặc trưng
Cứ mỗi độ xuân về, khắp nơi lại bừng lên sắc hoa, rộn ràng tiếng cười và không thể thiếu là những đoàn Lân Sư Rồng với những màn múa mừng năm mới đầy sinh khí. Đây không chỉ là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng khắc sâu trong lòng người dân đất Thủ, mà còn là biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc mà mỗi gia đình, mỗi cộng đồng đều mong đợi trong những ngày đầu xuân.
Người dân xem biểu diễn nghệ thuật Lân, Sư, Rồng tại phố đi bộ Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một)
Bản sắc
Cái tên “Múa Cù” - cách gọi riêng của người Bình Dương dành cho môn nghệ thuật này đã trở thành một dấu ấn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Theo quan niệm của người phương Đông, Lân Sư Rồng (LSR) là những linh vật mang lại may mắn, xua đuổi tà ma, đồng thời mời gọi tài lộc và thịnh vượng. Mỗi khi nghe tiếng trống dồn dập, mỗi khi bóng dáng những con Lân, con Sư nhảy múa, người ta cảm thấy một mùa xuân mới đang tràn đầy sinh khí, một năm mới đầy hứa hẹn đang mở ra.
Những đoàn LSR không chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn, mà họ là những người thợ, những vận động viên lao động miệt mài. Chẳng dễ dàng gì để trở thành một người biểu diễn LSR, nhất là ở những đoàn lâu đời, với những kỹ thuật và điệu múa được truyền thụ qua bao thế hệ.
Ở Việt Nam, đặc biệt là tại Bình Dương, nghệ thuật này đã dần trở thành một bộ môn thi đấu quốc tế, có sức ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi đất nước mà còn ra ngoài biên giới. LSR ở Bình Dương mang trong mình những nét riêng biệt, là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa dân gian của các vùng miền và sự sáng tạo, khéo léo của các thế hệ kế thừa.
Nhắc đến những đoàn LSR lâu năm ở Bình Dương, không thể không nhắc đến Đoàn LSR Chấn Nghĩa Đường. Đoàn được sáng lập từ trước năm 1975 bởi ông Cam Thích Đức. Từ năm 1985, dù ông Đức đã qua đời, các thế hệ kế cận vẫn tiếp tục duy trì và phát triển nghệ thuật này.
Đoàn LSR Thanh An Đường với hơn 50 năm hình thành đã trở thành một trong những đoàn mạnh của Bình Dương. Đoàn được tổ chức bài bản, có quy mô và dàn dựng công phu. Tiếp chúng tôi trong khi đang tất bật với các đơn hàng làm đầu lân cho các đoàn bạn, ông Nguyễn Minh Đức (quản lý Đoàn LSR Thanh An Đường, TP.Thủ Dầu Một), cho biết Thanh An Đường được lấy tên theo chùa Ông Ngựa - Thanh An Tự, do ông Lê Văn Lang (Tư Lang) làm Trưởng đoàn sáng lập từ năm 1973. Đến nay, số lượng thành viên của đoàn khá hùng hậu, nhưng tham gia biểu diễn thì có khoảng 20 thành viên.
Đoàn Lân Sư Rồng Gia Thắng Đường biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật Lân Sư Rồng tỉnh Bình Dương mở rộng năm 2024
Báo hiệu không khí xuân
Ở Bình Dương, không khí xuân tràn ngập khi tiếng trống LSR vang lên, báo hiệu một mùa lễ hội đang đến gần. Dù là ngày cuối năm hay rằm tháng Giêng, người dân luôn háo hức chờ đợi những đoàn LSR biểu diễn, thể hiện tài nghệ điêu luyện, mang lại những điềm lành, xua đuổi điều xui xẻo. Thậm chí, trong truyền thống của người dân, nếu không có LSR trong ngày tết, thì như thể tết chưa trọn vẹn.
Tạo “hồn” cho Lân
Một trong những nghi thức quan trọng tạo hồn cho LSR là nghi thức “khai quang điểm nhãn”.
Ông Nguyễn Minh Đức, quản lý Đoàn LSR Thanh An Đường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết đó là một nghi thức linh thiêng. Trong đó, các nghệ nhân chọn ngày tốt, giờ đẹp để tiến hành khai quang cho đôi mắt của những con Lân, con Sư được rực sáng. “Lân và Sư khi được điểm nhãn sẽ chính thức có “linh” và có thể thực hiện những bước múa thăng hoa, mang lại may mắn cho mọi người”, ông Đức nói.
Ông Lưu Gia Thắng, một trong những người gắn bó lâu năm với nghệ thuật LSR tại Bình Dương, chia sẻ ông đã thấy những thay đổi lớn trong bộ môn này. “Hình thức, kỹ thuật biểu diễn không ngừng đổi mới theo thời gian, nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Lưu Gia Thắng, ông nội của ông đã mang nghệ thuật này đến Bình Dương. Đến nay, thế hệ thứ ba của gia đình ông vẫn tiếp nối sứ mệnh gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật này. Đoàn Gia Thắng Đường do ông sáng lập vào năm 1995 đã trở thành một trong những đoàn LSR nổi bật của Bình Dương, với khoảng 30 thành viên.
Múa LSR, dù được gọi với cái tên “Múa Cù” ở Bình Dương, hay được gọi tên khác ở các địa phương vẫn luôn mang đậm dấu ấn của người dân nơi đây. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và văn hóa địa phương, giữa niềm vui ngày tết và lòng thành kính đối với tổ tiên. Múa LSR không chỉ là biểu tượng của sự may mắn, mà còn là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.
Với người dân Bình Dương, mỗi mùa xuân về, mỗi khi những đoàn LSR bước ra đường, là lúc cả cộng đồng cảm nhận được sự sống dậy của đất trời, sự ấm áp của tình yêu thương và sự gắn kết trong những nghi lễ cổ truyền.
LSR không chỉ là những con vật trong truyền thuyết, mà là linh hồn của những ngày xuân; với người dân, những linh vật này mang đến một năm mới đầy may mắn, sức khỏe và hạnh phúc. (còn tiếp)
Lý giải về tên gọi “Múa Cù” ở Bình Dương
Theo nhà văn Võ Kỳ Điền (sinh ngày 30- 10-1941 tại Dương Đông, Phú Quốc, trưởng thành và hành nghề dạy học ở Bình Dương), ngày nay, người ta không còn có thể biết chính xác có phải người Thủ Dầu Một xưa đúng là vì kỵ húy ông Lân mà gọi “Cù” thay cho “Lân” hay không. Theo tư liệu lịch sử, ông Trần Văn Lân là một người giàu thuộc hàng bậc nhất của vùng đất Thủ xưa, cha của ông Trần Văn Hổ là một Đốc phủ, một chức quan khá lớn lúc bấy giờ.
Dẫu sao việc dùng tên một con vật huyền thoại của miền Nam, có nhiều đặc tính tương tự như con Lân của người Trung Hoa để thay thế cho nó cũng là lựa chọn khá thông minh, hợp lý và phản ánh khuynh hướng chung muốn Việt hóa những du nhập từ bên ngoài của người Việt. Có thể vì sự hợp lý này nên “Múa Cù” đã dễ được số đông chấp nhận và trở thành tên gọi đặc trưng của dân xứ Thủ Dầu Một từ thời ấy cho đến bây giờ.