Độc đáo nghệ thuật tạo hình cho cây

Tạo hình cho cây từ lâu đã là thú chơi được nhiều người yêu thích. Mặc dù công việc này đòi hỏi người chơi phải có đam mê, năng khiếu mỹ thuật và hiểu biết kỹ thuật nhưng số lượng người chơi vẫn rất đông và độ tuổi cũng ngày càng trẻ hơn so với trước.

Ông Đào Xuân Minh - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Việt Trì giới thiệu về các cây cảnh có giá trị lớn đang được trưng bày tại sân Bảo tàng Hùng Vương.

Hội Sinh vật cảnh Việt Trì được thành lập từ năm 2006, sau khi sáp nhập với Hội làm vườn vào năm 2021, đến nay hội có tổng số 400 hội viên, trong đó có trên 300 hội viên là người chơi cây cảnh, còn lại là những người chơi hoa, cá cảnh, chim cảnh và gỗ đá nghệ thuật… Đây đều là những người đã chơi cây lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo hình cho cây, họ tham gia sinh hoạt hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giống cây, hướng dẫn kỹ thuật tạo thế cây từ đó góp phần tạo cảnh quan, làm đẹp cho các gia đình, công sở.

Ông Đào Xuân Minh - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Việt Trì cho biết: Cây gì cũng có thể tạo dáng nhưng được tạo dáng nhiều nhất là cây si sanh vì loại cây này không cần nhiều đất hay chất dinh dưỡng. Cây chịu được điều kiện sống khắc nghiệt và tuổi thọ cao, ngoài ra còn có các loại cây khác như tùng, bách, duối… Bên cạnh đó, một số người lại chọn lộc vừng, mộc, mai để tạo cây theo phong thủy hoặc chọn các loại cây ra hoa quanh năm như mẫu đơn hay hoa giấy…

Chơi cây và tạo hình cho cây đòi hỏi sự kiên trì, không thể “ăn xổi” bởi từ một cây có sẵn ngoài thiên nhiên, để tạo tác thành cây bonsai trong chậu thì phải mất hàng chục năm. Tùy theo ý đồ và phong cách của người chơi mà cây có thể được chăm sóc cho tươi tốt hay để cằn cỗi. Bên cạnh đó, cây có xu hướng vươn mình ra ánh sáng nên trong quá trình chăm sóc cũng cần chú ý điều tiết ánh sáng hợp lý để cây phát triển đồng đều.

Trong tạo hình cho cây có một số thế, dáng mà người chơi thường lựa chọn như: Dáng trực là cây thẳng đứng, thân cây không đổi hướng phát triển, thuôn dần từ gốc đến ngọn, đây là dáng phổ biến trong giới bon sai, thể hiện tinh thần của người quân tử.

Dáng hoành là trục của thân cây nằm ngang so với mặt chậu, có ý nghĩa là dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cây vẫn sống và nảy lộc đâm chồi.

Dáng huyền là gốc cây ở trong chậu nhưng thân cây nằm theo hướng đổ xuống phía dưới chậu tạo thành một góc 90 độ, nhìn giống hình dấu huyền, thể hiện ý nghĩa kiên cường vượt qua mọi thử thách… Ngoài ra còn dáng cây thác đổ và một số dáng khác do người chơi cây đặt ra.

Một số người chơi có xu hướng tạo hình cho cây thành nhà cổ, con vật.

- Nhà cây Khuê Văn Các có tuổi đời 28 năm đang được trồng tại vườn cây của ông Nguyễn Văn Tùng – phường Bến Gót, thành phố Việt Trì.

Sau khi được tạo dáng, một cây cảnh để được đánh giá đẹp, giá trị cần có các yếu: Cổ, kỳ, mỹ, văn. Trong đó, “cổ” là lâu năm; “kỳ” là kỳ công, kỳ lạ, khác thường, độc đáo; “mỹ” là đẹp mắt và cuối cùng là “văn” - trí tuệ và nhân văn, cái hồn của người chơi “thả” vào cây.

Hiện nay tại thành phố Việt Trì đang có nhiều cây cảnh được giới chơi cây trong và ngoài nước đánh giá cao như cây “Mâm xôi con gà” của ông Nguyễn Trung Thành – phường Gia Cẩm; cây “Tiên Lão Giáng Trần” của ông Phan Văn Toàn, phường Tiên Cát…

Ngoài một số cây cảnh có giá trị hàng chục thậm chí lên cả trăm tỉ đồng, một số người chơi lại có phong cách trồng cây công trình, cây trang trí, tạo hình cây thành hình nhà cổ, các con vật để thỏa được đam mê với cây cối của mình. Trong đó tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Tùng – phường Bến Gót, thành phố Việt Trì. Là người yêu thích trồng cây, hiện nay trong vườn của ông có hàng nghìn cây sanh các loại. Trong đó nổi bật nhất là nhà cây Khuê Văn Các có tuổi đời 28 năm – được tạo hình theo nguyên mẫu của Khuê Văn Các, một trong những công trình thuộc quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tiếp đó là lầu cây vọng cảnh, cũng được trồng và tạo hình từ cây sanh, có tuổi đời khoảng 15 năm. Ngoài ra, có rất nhiều lọ lục bình cây, các con thú bằng cây… được ông tạo hình rất công phu nên thu hút đông đảo người dân và du khách đến thăm quan.

Hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thành lập thành phố Việt Trì (4/6/1962 - 4/6/2022), tại sân Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì đang tổ chức trưng bày khoảng 500 cây cảnh các loại trong đó có trên 100 cây giá trị cao. Đây là hoạt động ý nghĩa do Hội Sinh vật cảnh thành phố Việt Trì tổ chức với kinh phí 100% từ nguồn xã hội hóa. Người dân và du khách được ngắm nhìn những dáng cây độc đáo, hấp dẫn do người chơi cây và các nhà vườn trong và ngoài tỉnh đem đến giới thiệu…

Anh Bình

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/doc-dao-nghe-thuat-tao-hinh-cho-cay/184608.htm