Độc đáo nghệ thuật vẽ tranh bằng chỉ, tạo hình bằng đinh

Với những người sáng tạo tranh đinh chỉ (string art), 'trái ngọt' nghệ thuật của họ được tạo nên bởi hàng nghìn cây kim, hàng trăm mét chỉ cùng vô số những vết bầm tím khi gõ búa vào tay.

Sáng tạo nghệ thuật là hành trình không có giới hạn của mỗi người nghệ sỹ. Có người dùng bút lông, bay, đục, mài…, có người lại lựa chọn cây đinh, sợi chỉ để làm phương tiện biểu đạt nghệ thuật của mình.

Dưới những bàn tay tài hoa, đinh và chỉ hòa quyện cùng nhau tạo nên những mảng sáng tối, những hình khối, thần thái nhân vật.

Gõ búa vào tay, đinh đâm rướm máu

Chị Phạm Thị Thục Anh (Hà Nội) ngắm nghía thật kỹ bức chân dung phác thảo rồi cẩn thận đóng từng chiếc đinh trên khung tranh. Từ những chiếc đinh này, chị sẽ căng những sợi chỉ trắng mảnh lên, tạo độ sáng tối và đường nét cho bức tranh.

Nghe thì đơn giản như vậy nhưng để tạo ra một bức tranh đinh chỉ (string art) thì không hề đơn giản. Chỉ đến khi các công đoạn hoàn thành, ngắm lại tác phẩm, chị mới biết chắc mình có thành công hay phải tháo chỉ, gỡ đinh, làm lại từ đầu.

 Chị Phạm Thị Thục Anh đóng đinh để định hình bức tranh trên nền gỗ. (Ảnh: NVCC)

Chị Phạm Thị Thục Anh đóng đinh để định hình bức tranh trên nền gỗ. (Ảnh: NVCC)

Vừa gõ búa đóng đinh, chị vừa tâm sự rằng vẻ đẹp độc đáo, cuốn hút của tranh đinh chỉ khiến chị bị mê hoặc và chị đã cất công tìm hiểu về nghệ thuật này từ cách đây 4 năm.

Lúc đó, chị là Phó Giám đốc một nhà sách. Chị đã từ bỏ môi trường làm việc ổn định, an toàn, dễ chịu để dấn thân vào một hành trình mới đầy mạo hiểm.

May mắn là chị gặp được những người cộng sự có chung đam mê, nhiệt huyết. Họ đã cùng tìm tòi, chinh phục loại hình nghệ thuật mới này.

“String art là bộ môn nghệ thuật hấp dẫn song cũng đầy thử thách. Khó khăn lớn nhất khi bắt đầu là việc nghiên cứu kỹ thuật để làm ra những bức tranh đinh chỉ sống động, tinh tế, sắc nét và ấn tượng. Chúng tôi phải trải qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại để hoàn thiện kỹ thuật. Để vượt qua, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và không ngừng thực hành, chấp nhận bỏ đi hàng chục hàng trăm các bản lỗi,” chị Thục Anh chia sẻ.

Để hoàn thiện bức tranh, người nghệ sỹ dùng búa, đinh và chỉ thao tác công phu. Mỗi bức tranh hoàn thiện là thành quả của việc sắp xếp hàng nghìn, chục nghìn chiếc đinh với hàng trăm mét chỉ được móc nối chính xác để tạo nên hình khối, độ sáng tối cho tranh.

 Bức chân dung cô gái dân tộc mà chị Thục Anh tâm đắc. (Ảnh: NVCC)

Bức chân dung cô gái dân tộc mà chị Thục Anh tâm đắc. (Ảnh: NVCC)

Không ít những bức tranh phức tạp khiến cả đội phải làm đi, làm lại nhiều lần. Nhiều khi chị Thục Anh vò đầu tính toán, phải đổi thử gỗ nền từ nhiều nhà cung cấp, thử nghiệm đủ loại đinh và chỉ, gỡ ra, căng lại vô số lần. Quá trình hoàn thiện một bức tranh mất hơn 10 ngày đến vài tháng.

Theo chị Thục Anh, một khó khăn nữa là về thị trường. Đây là loại hình tranh mới nên ít người biết tới, các nghệ sỹ vừa nghiên cứu kỹ thuật vừa loay hoay truyền thông, giới thiệu tác phẩm.

“Bên cạnh khó khăn lớn đó, còn vài thử thách nhỏ như gõ búa vào tay hay bị đinh đâm rướm máu là chuyện diễn ra thường ngày,” chị Thục Anh tâm sự.

Sau tất cả những khó khăn đó, nhóm nghệ sỹ tập trung nghiên cứu để tìm ra kỹ thuật của riêng mình, mang đến dòng tranh đinh chỉ khác biệt về kỹ thuật và hiệu ứng thị giác.

 Nghệ thuật đinh chỉ giữ vẹn nguyên thần thái nhân vật. (Ảnh: Facebook)

Nghệ thuật đinh chỉ giữ vẹn nguyên thần thái nhân vật. (Ảnh: Facebook)

“Tranh đinh chỉ không hướng tới ‘chép’ hình ảnh, mà còn nắm bắt thần thái nhân vật, điểm nổi bật, đặc trưng để ‘tả’,” chị Thục Anh chia sẻ.

Để theo đuổi tranh đinh chỉ, chị Thục Anh cho rằng người nghệ sỹ cần nắm vững kỹ thuật gắn đinh chỉ, khả năng tạo hình và bố cục, cũng như sự am hiểu về vật liệu và công cụ.

“Tính kiên nhẫn và sự tinh tế trong từng chi tiết là rất quan trọng. Hơn nữa, khả năng sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra những tác phẩm độc đáo,” chị nói thêm.

Hướng tới triển lãm tranh đinh chỉ

Đến nay, nhóm nghệ sỹ đã có nhiều tác phẩm gây chú ý trên mạng xã hội và cộng đồng những người yêu nghệ thuật.

Gần đây là bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống động được “vẽ” bằng đinh chỉ đã nhận được rất nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội.

 Bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hoàn thành với lòng kính yêu của nhóm nghệ sỹ dành cho vị lãnh đạo của đất nước. (Ảnh: Facebook)

Bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hoàn thành với lòng kính yêu của nhóm nghệ sỹ dành cho vị lãnh đạo của đất nước. (Ảnh: Facebook)

“Chúng tôi đã gác lại toàn bộ công việc của mình để hoàn thiện bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian ngắn nhằm bày tỏ lòng kính yêu đối với một vị lãnh đạo có tâm, có tầm của đất nước,” chị Thục Anh chia sẻ.

Ngoài tác phẩm này, chị Thục Anh còn tâm đắc với bức chân dung cô gái dân tộc kích thước 80x120cm, là kích thước khá lớn với dòng tranh đinh chỉ. Chính vì kích thước lớn như vậy nên nhóm nghệ sỹ gặp không ít khó khăn trong việc xử lý kỹ thuật mà vẫn đảm bảo yếu tố nghệ thuật.

“Chúng tôi hài lòng với các họa tiết trên áo, với ánh mắt, nụ cười của nhân vật. Khi bức tranh hoàn thành, mọi người đã rất xúc động,” chị Thục Anh bày tỏ.

Cộng sự của chị Thục Anh, anh Trần Ngọc Khôi nhớ mãi bức tranh chân dung bà nội của một khách hàng ở Nam Định.

 Anh Trần Ngọc Khôi bên bức tranh Phật Thích Ca. (Ảnh: NVCC)

Anh Trần Ngọc Khôi bên bức tranh Phật Thích Ca. (Ảnh: NVCC)

“Bà nội chị đã mất, chị muốn làm tranh chân dung của bà để tặng bố mình. Đây là một trong những đơn đặt tranh đầu tiên của chúng tôi, anh em đã làm đi làm lại nhiều lần, soi từng sợi tóc, nếp nhăn, đường gân... trên ảnh. Đến bây giờ, đây là bức tranh có nhiều kỷ lục nhất của chúng tôi: Nhiều thời gian nghiên cứu và thực hiện nhất, độ dài chỉ lên tới 1km,” anh Ngọc Khôi tâm sự.

Hay bức tranh Phật Thích Ca với kích thước 80x120cm đã tiêu tốn của nhóm nghệ sỹ hơn 15.000 chiếc đinh, khoảng 3.000 mét chỉ và hơn 200 giờ làm việc trong hơn hai tháng để hoàn thiện. Anh Ngọc Khôi cho hay nhóm nghệ sỹ đã phải gỡ chỉ, làm đi làm lại tới 7 lần mới xong bức tranh này.

Về độ bền của những bức tranh đinh chỉ, anh Ngọc Khôi cho biết chỉ cần tránh để tranh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao, tốt nhất là treo tranh ở nơi khô ráo, thoáng mát và vệ sinh tranh bằng cách dùng cọ mềm hoặc máy hút bụi nhẹ để làm sạch bụi bám trên bề mặt tranh.

Chia sẻ những dự định sắp tới, Ngọc Khôi cho biết nhóm đang lên kế hoạch để tổ chức một triển lãm nhằm giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng. Đây cũng là cơ hội để nhóm gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng đam mê nghệ thuật, và mang nghệ thuật tranh đinh chỉ đến gần hơn với mọi người./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-nghe-thuat-ve-tranh-bang-chi-tao-hinh-bang-dinh-post974172.vnp