Độc đáo nghĩa địa chôn cất gần 200 cá Ông, thờ phụng như người
Xem cá Ngư Ông như một vị 'thần' bảo vệ, nâng đỡ ngư dân trước sóng gió, uy lực của đại dương, vì thế việc chôn cất cá, thờ cúng được thực hiện giống như một con người.
Miếu thờ cá Ông hơn 600 năm tuổi
Sát bờ biển thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) là nơi chôn cất gần 200 cá Ngư Ông lớn nhất Hà Tĩnh. Miếu thờ được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 2.000m2. Qua thời gian, miếu thờ bị “nhuốm màu” bởi lớp rêu phong khiến không gian nơi đây trở nên trầm mặc, bí ẩn.
Nằm trong Ban lễ nghi đền cá nên ông Nguyễn Hữu Phương là người am hiểu lễ tự, phong tục chôn cất cá Ông. Đặc biệt, tục lệ an táng và thờ cúng cá Ngư Ông được làm như với một con người. Ông Phương cho hay, ngư dân nơi đây xem cá Ông là vị thần hộ mệnh bảo vệ con người khi ra khơi. Vì thế, từ bao đời nay khi phát hiện xác cá Ông, ngư dân sẽ thắp hương và đưa vào bờ để chôn cất với tấm lòng thành kính.
Với những cá Ông chết, thân đã bị biến dạng, khi đưa vào bờ, ban nghi lễ sẽ tiến hành tung đồng âm dương để xác định là đực hay cái. Cá Ông được người dân ở đây gọi với tên thân mật là “Ngài”, nặng hơn 50kg sẽ đặt tên là Đức Ông, Đức Bà; bé hơn thì đặt là Đức Cô hoặc Đức Cậu.
“Người dân tại đây luôn quan niệm rằng, khi cá Ông dạt vào bờ sẽ rất may mắn, báo hiệu một mùa ra khơi bội thu và ngư dân sẽ được bảo vệ an toàn khi lênh đênh trên biển. Cũng vì tin như vậy nên người dân mới thờ cúng Ngài như cha mẹ mình”, ông Phương tâm sự.
Niềm tin đó cũng bắt nguồn từ sự tích cá Ông cứu giúp con người vùng biển từ những câu chuyện xưa. Hay thực tế hơn khi người dân tại Cẩm Nhượng cũng đã nhiều lần được tận mắt chứng kiến cá Ông bảo vệ họ khi sóng to, biển động.
Như câu chuyện cách hàng chục năm về trước của ông Nguyễn Bá Thìn nay cũng được người dân truyền tai để con cháu biết đến vị thần bảo vệ ngư dân trước sự hung dữ của biển cả.
Hôm đó vào mùa biển động, trong lúc đi biển, ông Thìn bất ngờ gặp bão, sóng to, gió lớn, con thuyền nhỏ chao đảo trước những con sóng dồn dập, tưởng chừng sẽ bị lật úp, nhưng may mắn được cá Ông dẫn thuyền vào bờ trú đậu an toàn.
“Bây giờ ông Thìn đã mất nhưng câu chuyện này vẫn được con cháu truyền lại với nhau. Để tỏ lòng biết ơn đến công cứu giúp của cá Ông, mỗi khi có tin cá Ngư Ông dạt vào bờ, người dân hô hào nhau, quây quần lại để an táng Ngài”, ông Phương nói.
Chôn cất, thờ cúng như người
Vừa chỉ tay vào nơi thờ phụng cá Ngư Ông, ông Phương kể, khi cá đã mất và được đưa vào bờ, Ban lễ nghi sẽ chịu trách nhiệm tắm rửa cho cá. Đầu tiên sẽ tắm bằng nước lấy ở miếu, sau đó tắm rượu rồi xịt nước hoa.
Tiếp theo sẽ tiến hành khâm liệm, hạ huyệt và chiêu hồn, đầy đủ nghi thức như an táng người. Sau khi an táng xong, các Ngài cũng có lễ 3 ngày 50 ngày, 100 ngày, lễ 1 giỗ và hết tang. Tháng nào cũng vậy cứ tới ngày rằm, 30, mùng một đều có người lên miếu quét dọn, hương khói đầy đủ cho các Ngài.
Tại khuôn viên miếu Đức Ngư Ông, các ngôi mộ đã được người dân và chính quyền tôn tạo lại khang trang. Mộ được xây bằng xi măng chắc chắn, dài khoảng 1m, rộng tầm 50cm, trước có bia và lư hương. Những ngôi mộ mới chưa hết tang sẽ được chôn riêng bên ngoài lăng, chờ hết tang sẽ được làm lễ để rước vào trong lăng.
Ông Phương cho biết, cá Ông lớn nhất mà ông được chôn cất nặng khoảng 60kg, thời trước có những con gần cả tấn. Hiện tại cá Ông gần nhất mà miếu an táng là vào ngày 29/12 vừa rồi, tên là Đức Cô, nặng hơn 10 kg. Cho đến nay, miếu đã mai táng và lưu giữ gần 200 ngôi mộ cá, có những ngôi mộ từ thời xưa đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho hay, miếu Đức Ngư Ông là di tích thiêng liêng, hằng năm xã luôn huy động xã hội hóa và trích kinh phí để tôn tạo miếu, có thời điểm nhiều nhất khoảng một tỷ đồng.
“Việc chôn cất và thờ tự cá voi thể hiện lòng thành kính như để thể hiện lòng biết ơn đối với cá voi đã luôn hỗ trợ ngư dân thoát khỏi hiểm nguy khi đánh bắt trên biển. Tục an táng cá voi tại miếu Đức Ngư Ông là sinh hoạt văn hóa phi vật thể của người dân địa phương, nó gắn với lễ hội cầu ngư nhượng bạn và hội chèo cạn diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm ”, ông Hùng tâm sự.
Không chỉ ở Cẩm Nhượng mà ở các xã ven biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) hay một số địa phương ở huyện Nghi Xuân đều giữ tục thờ cúng và an táng cá Ông. Phong tục thờ cúng và an táng cá Ông của người dân Hà Tĩnh đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh, cũng như bày tỏ sự biết ơn của ngư dân đối với vị thần của biển cả. Vì vậy, mỗi năm cứ đến ngày 8/4, người dân ở đây đều nghỉ hẳn một ngày để làm lễ cầu ngư rước cá Ông ra biển để cầu may mắn, bình an.