Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn
Có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ 19, chùa Giác Hải mang dáng dấp như một nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông.
Tọa lạc ở số 345/45 đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, chùa Giác Hải là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo của TP HCM.
Theo các tư liệu, chùa được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Năm 1887, bà Trần Thị Liễu cất ngôi chùa nhỏ có tên Giác Sơn và cúng cho Hòa thượng Hoằng Ân. Hòa thượng Hoằng Ân cử đệ tử là ngài Từ Phong về trụ trì chùa, đổi tên chùa là Giác Hải.
Kiến trúc hiện tại của chùa Giác Hải được xây dựng vào khoảng năm 1920. Chùa mang dáng dấp như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo với phong cách phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông. Mặt trước chùa có một cửa ra vào và 2 cửa sổ.
Trên đỉnh mái chùa có tô nổi hình chữ “Vạn”, dưới chữ “Vạn” có 8 hàng chữ Hán chép sơ lược sự tích Đức Phật Thích Ca và thời gian xây cất ngôi chùa.
Ở hai bên, phía trên cửa sổ có đắp nổi hình 2 con rồng uốn khúc quay mặt vào nhau.
Hai bên hông chùa, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa kính hình tròn.
Tòa chùa có 5 lớp nhà: Chính điện, Giảng đường, Đông đường, Đông lang và Tây lang. Trong chính điện có 10 cột xi măng tròn có đắp hình rồng uốn quanh, màu vàng son rực rỡ, chia chính điện thành 3 gian theo chiều dọc.
Cuối gian giữa chính điện kê bàn thờ Phật.
Bàn thờ Tổ nằm ở gian đầu tiên.
Chùa Giác Hải còn giữ những pho tượng gỗ cổ như bộ tượng Ngũ Hiền (tượng Đức Phật Thích Ca và bốn vị Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền), tượng Cừu Long…
Cận cảnh hình rồng đắp nổi trên cột chùa.