Độc đáo nhà cổ An Khê

Những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt đã tồn tại hàng thế kỷ trên vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai) là di sản kiến trúc vô giá mà các bậc tiền nhân trong quá trình khai phá, lập nghiệp trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo để lại cho con cháu. Thế nhưng, dấu ấn kiến trúc quý báu cũng đang rất mong manh trước sự bào mòn của thời gian, trong khi công tác bảo tồn lại gặp không ít trở ngại, thách thức.

Hồn dân tộc dưới những nếp nhà cổ

Bước qua cánh cổng theo kiến trúc “nhà ngõ”, ngôi nhà trăm năm tuổi của dòng họ Văn danh tiếng trên vùng đất An Khê hiện ra sau những cội mai già. Anh Văn Minh Triết-cháu nội ông Văn Thạnh (tên thường gọi là Xã Tám) vui vẻ đón khách. Khách được chủ tiếp đón trong gian nhà phía Tây với bộ bàn ghế gỗ đơn sơ.

Bên trong phòng khách, các bậc tiền nhân treo vài họa phẩm vẽ cảnh đẹp đất nước lồng trong khung gỗ, tạo không gian vừa trang nhã, bình dị nhưng cũng đầy tinh tế, sang cả, theo thẩm mỹ của người xưa. Ngoài sân, hai hàng mai chiếu thủy trồng dọc con ngõ nhỏ như lời chào mời khách đầy ý nhị. Có thể thấy, các bậc tiền nhân đã thổi vào nếp nhà cổ sự bình yên dân dã nhưng đầy chất thơ của cuộc sống thường ngày.

Nhà cổ của dòng họ Văn ở thị xã An Khê được xây dựng từ những năm 1919-1920. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhà cổ của dòng họ Văn ở thị xã An Khê được xây dựng từ những năm 1919-1920. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngôi nhà cổ của cụ Văn Thạnh thuộc làng Tân Lai (nay là tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê) còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp kiến trúc nhà Việt cổ. Ngôi nhà kết cấu hình chữ L đặc trưng với các gian nhà ở, tiếp khách, gian thờ. Từ mái ngói vảy cá đen thẫm màu thời gian trăm năm đến những cột, kèo, cửa nẻo vẫn gần như nguyên vẹn.

Anh Văn Minh Triết cho biết: Sở dĩ nhà được làm từ những năm 1919-1920 nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên trạng vì ông nội của anh rất kỹ càng khi chọn nguyên liệu làm nhà, chỉ dùng những danh mộc thượng hạng như: lim, trắc, cẩm lai lấy từ núi Hảnh Hót. “Nhất là gạch, ngói, ông nội tôi cho đào đất, sản xuất tại chỗ bởi những người thợ giỏi nhất. Dấu tích hiện nay vẫn còn gọi là ao cạn cách nhà không xa”-anh Triết nói.

Theo lời kể của người cháu nội, sau khi ông Xã Tám mất (năm 1969), ngôi nhà do cha anh là ông Văn Minh Trí trông nom. “Từ nhỏ, anh em chúng tôi đã sống dưới nếp nhà này nên có rất nhiều kỷ niệm thân thương. Lớn lên mọi người lập gia đình rồi ra ở riêng nhưng cũng đều quần tụ xung quanh ngôi nhà cổ của ông nội để lại. Năm 2010, cha tôi mất. Từ đây, con cháu thay phiên nhau trông coi ngôi nhà chứ không ai ở hẳn lại đây. Tuy vậy, mỗi khi có khách, chúng tôi sẵn sàng mở cửa đón chào, giới thiệu để mọi người chiêm ngưỡng”-anh Triết cho biết.

Kiến trúc mang đậm dấu ấn hồn Việt bên trong ngôi nhà cổ của dòng họ Huỳnh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Kiến trúc mang đậm dấu ấn hồn Việt bên trong ngôi nhà cổ của dòng họ Huỳnh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Dấu ấn kiến trúc nhà cổ đặc sắc nhất trên vùng đất An Khê còn phải kể đến nhà của dòng họ Bùi, họ Huỳnh. Nhà cổ của cụ Huỳnh Ngọc Chương (tên thường gọi là Mười Chương) ở tổ 15, phường An Phú, cách Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia An Khê đình-An Khê trường 150 m về hướng Đông Bắc. Ngoài dáng dấp đặc trưng của nhà rường xứ Huế với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, mái lá, trần và vách bằng đất, ngôi nhà cổ hơn 250 năm tuổi này vẫn còn giữ nguyên phần trần đất được lợp bằng vỏ cây kiền kiền vùng núi Hảnh Hót đắp đất dày 10 cm khá chắc chắn. Trần đất làm kiểu cổ này để chống hỏa hoạn, ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Anh Huỳnh Ngọc Sơn-1 trong số 6 người con của cụ Mười Chương đang trông giữ ngôi nhà. Anh khá am hiểu về lịch sử hình thành cũng như giá trị của nếp nhà xưa. Chỉ cho chúng tôi xem kết cấu cột, kèo, xà, đòn được ráp nối với nhau hoàn toàn bằng liên kết mộng nhưng vẫn khít khao, vững chãi suốt hơn 2 thế kỷ, anh chậm rãi cho biết: “Từng chi tiết của ngôi nhà đều cho thấy sự trau chuốt, sáng tạo, tỉ mỉ của người xưa. Tôi nghe kể lại rằng, có những thợ nước mặn (chỉ những thợ mộc gốc gác từ vùng biển Bình Định) lên đây làm thợ cho cha ông tôi từ khi họ còn trẻ, đến khi lấy vợ sinh con, rồi dựng vợ gả chồng cho con xong mới hoàn thành ngôi nhà này”.

Bên trong ngôi nhà cổ của dòng họ Văn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bên trong ngôi nhà cổ của dòng họ Văn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phần vách nhà làm từ đất sét trộn cốt tre nhưng cho thấy kỹ thuật vô cùng tỉ mỉ, tạo sự phẳng mịn không khác tường tô vữa. Từ độ dốc của mái ngói, độ rộng của hàng hiên, nét lượn cong thanh thoát, mềm mại của hệ thống xà đỡ, nhất là từ bên trong nhìn ra có thể quan sát trọn vẹn không gian sân vườn với hàng chục gốc hồng cổ không dưới trăm năm tuổi.

Một cuộc hợp duyên của những chất liệu hoàn toàn thiên nhiên nhưng bằng sự sáng tạo, tỉ mỉ, các bậc tiền nhân đã làm nên kiến trúc hài hòa, vững chãi bởi những chuẩn mực về tỷ lệ. Và nhìn vào những nếp nhà cổ ấy, người đời sau phần nào thấy được tâm hồn, cốt cách, sự tinh tế, thuần Việt của chủ nhân biểu hiện qua kiến trúc của không gian sống.

Bảo tồn di sản kiến trúc nhà Việt cổ

Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã-cho hay: An Khê chỉ còn lại 3 ngôi nhà cổ của 3 dòng họ Văn, Huỳnh và Bùi. Những di sản kiến trúc nhà Việt cổ này cần kíp bảo tồn vì là dấu ấn văn hóa lịch sử trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, minh chứng sự có mặt của người Việt trên vùng đất An Khê từ khá sớm. Tuy nhiên, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin cũng thừa nhận, vấn đề bảo tồn hiện vẫn gặp nhiều thách thức.

“Chúng tôi đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Tây Sơn thượng đạo, trong đó có phương án bảo tồn nhà cổ như một yếu tố không tách rời với quần thể di tích. Những ngôi nhà cổ tồn tại nhiều thế kỷ đã xuống cấp, tường, vách đã mục nát. Thế nhưng, bảo tồn phải tìm được tiếng nói chung với lợi ích của các gia đình thì mới có thể phát huy được giá trị của di sản này. Vấn đề này vẫn gặp nhiều cái khó”-ông Hà nói.

Nhà cổ của dòng họ Huỳnh hiện do anh Huỳnh Ngọc Sơn-con trai ông Mười Chương trông nom. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhà cổ của dòng họ Huỳnh hiện do anh Huỳnh Ngọc Sơn-con trai ông Mười Chương trông nom. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cái khó trước hết là về mặt pháp lý, các nhà cổ đều chưa được xếp hạng di tích, do vậy đều là sở hữu của gia đình, dòng họ. Có những gia đình không muốn bị xáo trộn sự riêng tư bởi các đoàn khách muốn tham quan, nghiên cứu.

Anh Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ: “Thú thật là chúng tôi nhiều lúc không sẵn sàng để tiếp đón các đoàn khách tới tham quan, tìm hiểu nhà cổ. Bên cạnh đó, nếu xếp hạng di tích, mỗi lần tu sửa, chúng tôi không được toàn quyền quyết định mà phải xin phép cấp có thẩm quyền. Vì vậy, gia đình tôi muốn giữ sự tự do với ngôi nhà của ông cha, hư đến đâu chúng tôi sửa chữa đến đó, dù có được xếp hạng hay không, anh em chúng tôi vẫn sẽ giữ gìn bằng mọi cách, mọi giá”.

Điều khiến hậu duệ dòng họ Huỳnh lo ngại nhưng không tiện nói ra, đó chính là sợ sự trùng tu, tôn tạo nhà cổ sai ý tiền nhân. “Đây là di sản ông cha để lạị, sửa nhà hay đụng chạm vào yếu tố nào của ngôi nhà cũng cần sự hiểu biết, có chuyên môn và trân trọng đối với nếp nhà cổ. Vì vậy, chúng tôi vừa muốn công nhận để cộng đồng, Nhà nước cùng với gia đình gìn giữ, nhưng một phần cũng muốn giữ lại cho riêng gia đình, dòng họ”-anh Sơn nói.

Bảo tồn nhà cổ cần đi đôi với lợi ích của các gia đình thì mới có thể giữ gìn, phát huy được giá trị của di sản. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bảo tồn nhà cổ cần đi đôi với lợi ích của các gia đình thì mới có thể giữ gìn, phát huy được giá trị của di sản. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tuy chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích để có hành lang pháp lý bảo vệ dấu ấn và giá trị kiến trúc nhà Việt này, nhưng ngành chuyên môn và liên quan của thị xã An Khê đã xác định bảo tồn nhà cổ là vấn đề cấp bách.

“Để có cơ sở trùng tu, bảo vệ nhà cổ, chúng tôi đã thuê họa sĩ vẽ lại chi tiết kết cấu, hoa văn… Sau này nếu nó hư hại, xuống cấp sẽ có cơ sở để sửa chữa như nguyên trạng, giữ lại nguyên vẹn giá trị kiến trúc. Đây không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là di sản làm nên trầm tích văn hóa-lịch sử cho vùng đất Tây Sơn Thượng đạo”-ông Dương Thanh Hà cho biết.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202101/doc-dao-nha-co-an-khe-5719082/