Độc đáo nhà vách đất

Nhà vách đất cặp vách với nhà xây gạch của anh Thái Văn Mười. Ảnh: LÊ TRÂM

Ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, hiện có một gia đình sống trong ngôi nhà vách đất, mái lợp ngói. Ngôi nhà này có tuổi đời hơn 32 năm, trải qua 3 thế hệ cùng sinh sống.

Cặp nhà vách đất là nhà bếp, lai thêm phía sau một mái tường cũng trét đất. Còn sát với nhà vách đất này là ngôi nhà tường xây bằng gạch, quét vôi. Nhà vách đất có trước; hằng ngày, cả gia đình sinh hoạt trong nhà vách đất này, còn nhà tường xây gạch chỉ để thờ cúng.

Ba thế hệ chung một nhà

Căn nhà vách đất hai gian nói trên là của anh Thái Văn Mười, năm nay 38 tuổi. Theo anh Mười, tuổi đời ngôi nhà này là 32 năm, vì năm cất nhà anh tròn 6 tuổi, vừa bước vào lớp 1. “Nhà tôi có 6 anh chị em cùng với ba mẹ sống trong ngôi nhà này. Khi các anh chị lập gia đình xây nhà ở riêng, có người ở gần, người ở xa, còn tôi con út được anh chị ủy quyền sống tại ngôi nhà này. Tính ra, đây là nơi ở của 11 người, gồm ba thế hệ”, anh Mười nói.

Ông Thái Văn Minh (50 tuổi), anh cả của anh Mười, hiện ở phường 9, TP Tuy Hòa, kể: Ngôi nhà vách đất đã 32 năm nhưng đến nay mầm trỉ bên trong vẫn vững chắc, chỉ có vách hậu bị trụt chân mầm do nền nhà xuống móng. Thường thì nhà vách đất hay xiêu vách vì mục chân mầm. Bí quyết để chân mầm lâu mục là khi làm nhà cần rải một lớp đá dăm, loại đá núi, sao cho lớp đá cao hơn nền đất khoảng 2-3cm, để gốc cây mầm không chôn xuống lớp đất nền. Vì nếu chân mầm chôn dưới nền đất thì đến mùa mưa nước thấm vào nhanh mục. Còn cây mầm nằm trên nền, vách nhà khô ráo mới vững chắc.

Ông Minh nhớ lại, để tìm cây mầm làm nhà, mấy anh em ông theo ba qua bên kia núi Hóc Kè thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 chặt cây săn trắng, chà rang to bằng cổ tay, vác bộ qua sông Trà Bương xa trên 10 cây số. Còn trỉ thì lựa cây tre già da đỏ au, chặt rồi chẻ ra thành nan nhỏ đem ngâm ở bàu rau muống trước nhà một thời gian cho ngấm bùn rồi mang về. “Cây mầm dựng đứng còn trỉ dùng lạt tre buộc ngang vào cây mầm, sau đó trét đất trộn với rơm kín vách nhà. Thế nhưng buộc trỉ phải biết cách, hàng trong và hàng ngoài nằm so le để khi trét đất bịn vào, không rớt xuống”, ông Minh nói.

Đưa mắt nhìn lên trần nhà, ông Minh cho hay: Thời ấy cất nhà “nuộc lạt bát cơm”, khó khăn và tốn kém lắm. Thợ mộc làm thủ công, từ đục đẽo cột kèo, dựng buộc mầm trỉ. Nhà vách đất nhưng cột kèo, đòn tay, xiên, rượng (rường) toàn là danh mộc, như nanh heo, ké, sến… mối mọt không bao giờ đụng đến. Vì vậy trải qua bao năm tháng, ngôi nhà vẫn chắc bền. Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu. Câu ca dao này càng ngẫm càng thấy hay.

Ông Thái Văn Tâm (48 tuổi), em kề ông Minh, cũng có công trong việc cất ngôi nhà này. Theo ông Tâm, hồi đó, cất nhà vách đất phải chuẩn bị đất để trét. Khi ngoài ruộng bắt đầu cày ải, đi làm về tranh thủ trưa, chiều, tối, mấy anh em ông gánh đất cục về chất đống để dành trước sân. Gia đình nào kinh tế eo hẹp thì cất nhà nọc ngựa (cột chôn). Còn gia đình có ăn thì cất nhà con sẻ, nghĩa là thợ mộc không khắc ngàm vào miệng cột kèo mà đục lỗ rồi dùng con lăn gỗ to bằng ngón chân cái xỏ vào nơi tiếp giáp. Cột thìđặt trên hòn đá.

Mùa hè mát, mùa đông ấm

Ngôi nhà vách đất anh Mười đang sở hữu cửa chính hướng ra sân, còn nhà bếp nối vào bên hông. “Ba tôi kể, hồi đó kinh tế khó khăn nhưng ba cất nhà vách đất xong vẫn ráng lai thêm bên hông một mái gọi là chái gãy, chỗ ấy dùng làm bếp. Về sau kinh tế khá lên thì xây nhà tường gạch”, anh Mười nói.

Cái độc đáo của nhà vách đất là mùa hè mát rượi, còn mùa đông thiầ́m. Vì vậy bây giờ có nhà xây gạch kề bên, nhưng vợ chồng, con cái anh Mười vẫn ở trong ngôi nhà vách đất. Hằng ngày lúc sẩm tối, anh Mười mới lên nhà trên thắp hương ông bà, tổ tiên.

Anh Mười cho hay: Nhà vách đất này thiết kế có hàng ba, lúa sắn thu hoạch về để tạm ở đây, sau đó phơi khô đổ bồ. Nhiều người bà con ở xa đến thấy ngôi nhà vách đất lạ mắt, có người sờ vào vách trầm trồ, hết sức ngạc nhiên vì hồi giờ họ chưa thấy. “Tôi làm nông, có khi lên tận xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) nhổ sắn, hoặc ra huyện Vân Canh (Bình Định) lột keo thuê. Qua bao nhiêu xóm làng, tôi không thấy nơi nào còn nhà vách đất. Lớp trẻ bây giờ khó có cơ hội thấy và được ở nhà vách đất”, anh Mười nói.

Qua 32 năm xây dựng, ngôi nhà vách đất anh Mười đang sở hữu đã có đến 3 thế hệ sinh sống. Ba mẹ anh Mười sinh 6 người con. Sau khi đến tuổi lập gia đình, nhiều người vẫn sống chung với ba mẹ một thời gian trong ngôi nhà vách đất này. Ở chung mà làm riêng, sau khi tích góp, có của ăn của để, họ mới xây nhà ra riêng. Thời gian sau, ba mẹ anh Mười mới xây thêm ngôi nhà gạch liền kề. “Khi tôi lập gia đình ra riêng, ba mẹ để lại ngôi nhà vách đất này cho vợ chồng tôi. Ba mẹ tôi đã qua đời. Giờ vợ chồng tôi và 2 đứa con sinh sống trong nhà vách đất, còn nhà tường gạch là nơi thờ cúng, hương khói ba mẹ và ông bà tổ tiên”, anh Mười chia sẻ.

Cái độc đáo của nhà vách đất là mùa hè mát rượi, còn mùa đông thì ấm. Vì vậy bây giờ có nhà xây gạch kề bên, nhưng vợ chồng, con cái anh Mười vẫn ở trong ngôi nhà vách đất. Hằng ngày lúc sẩm tối, anh Mười mới lên nhà trên thắp hương ông bà, tổ tiên.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/290919/doc-dao-nha-vach-dat.html