Bằng niềm đam mê hội họa, gần 6 năm qua, anh Phan Quang Nhật chọn nghề vẽ tranh trên nón lá vừa góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến với du khách, cũng như nâng cao thu nhập.
Anh Nhật cho biết, trước đây anh có theo học nghề vẽ tranh lụa từ một người quen. Sau này, khi nghề vẽ tranh lụa không còn thịnh hành nữa, nên anh Nhật đã chuyển sang tìm hướng đi mới cho riêng mình.
“Và trong một lần dạo chơi trên cầu Trường Tiền, thấy các thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài cùng vành nón lá bên dòng sông Hương, ý tưởng vẽ tranh trên nón lá đã hình thành trong đầu mình. Từ đó, tôi bắt tay vào việc pha màu, tự mày mò vẽ tranh trên chất liệu hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm này", anh Nhật cho biết.
Để hoàn thiện một bức tranh trên nón lá, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ vẽ lớp phông nền, vẽ thô đến vẽ từng chi tiết nhỏ. Tùy vào kích cỡ nón và tranh trên nón mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau.
Các sản phẩm tranh nón lá của anh Nhật có nhiều kích cỡ, chủng loại với giá thành từ 70 - 150 nghìn đồng/chiếc. Đối với những sản phẩm được khách đặt hàng cùng các yêu cầu riêng thì bán với giá thành cao hơn. Trung bình mỗi ngày, Nhật có thể vẽ 20-30 sản phẩm.
Du khách khi đến tham quan tại nhà anh Nhật sẽ được trải nghiệm tự mình vẽ tranh lên chiếc nón lá.
Những hình ảnh quê hương, đất nước gần gũi với con người đã được anh Nhật đưa lên chiếc nón trở nên sinh động và đẹp mắt. Bên cạnh đó, anh Nhật còn chọn những hình ảnh như chùaThiên Mụ, cầu Trường Tiền, dòng sông Hương… những địa danh nổi tiếng của xứ Huế để vẽ lên nón lá, như cách để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về mảnh đất cố đô.
Nguyễn Quốc