Từ những chiếc quạt lá buông làm thủ công, người dân ở An Bình (xã Ninh Bình, TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, để phát triển kinh tế bền vững.
Quạt lá buông là sản phẩm thủ công nổi tiếng của xã Ninh Bình, TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, với độ thẩm mỹ cao, nhẹ và bền. Hiện thôn An Bình chỉ còn 3 hộ sản xuất với vài chục lao động, một tháng làm được khoảng 10.000 cái, xuất đi tới nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài thông qua công ty liên kết.
3 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Kiều Loan, 52 tuổi, xé lá buông để chuẩn bị đan quạt. Gia đình bà Loan chuyên làm hai loại quạt đan trơn và màu, mỗi ngày làm được hơn 100 chiếc quạt thành phẩm. Do ngồi trong thời gian dài, bà Loan nói việc này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thường xuyên đau lưng và khớp tay. “Việc này ngồi một chỗ nhưng cũng nhiều khó khăn không kém gì công việc khác”, bà Loan cười.
Trong khi đó, chồng bà là ông Đỗ Hữu Trực, 55 tuổi, phụ trách quấn cán. Đây là bước cuối cùng để cho ra một chiếc quạt lá thành phẩm. Để làm được quạt lá buông phải trải qua 5 bước, gồm phơi lá, xé từng nhánh lá rồi tạo dáng quạt, đan và sau cùng là quấn cán. Công việc này chủ yếu là phụ nữ, nhưng ông đã phụ vợ được 16 năm, còn trước đó ông đi làm thuê.
Theo ông Trực, nghề làm quạt lá buông xuất hiện ở địa phương khoảng 50 năm, nhưng “thời hoàng kim” là hơn 20 năm trước, có khoảng 10 hộ với hàng trăm lao động “làm đến đâu bán hết đến đó". Nhưng trong thời đại của sự hội nhập và phát triển, quạt lá buông thủ công truyền thống mất đi vị thế, được thay thế bằng những chiếc quạt máy, điều hòa nhiệt độ.
Quạt lá được đan thủ công, lá buông được phơi 2-3 nắng cho thật khô để tránh ẩm mốc. Nghề này chỉ làm vào mùa nắng, khoảng từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Vào mùa mưa hay những ngày không có nắng, người dân nghỉ làm.
Dù vất vả, vợ chồng bà Loan thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, đủ ăn uống sinh hoạt. Tuy nhiên, công việc này cũng tạo thêm việc làm thời vụ cho nhiều phụ nữ trong thôn với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng mỗi ngày công.
Cách nhà gia đình bà Loan khoảng 500m, bà Nguyễn Thị Thanh, 48 tuổi, cùng 4 lao động đang đan quạt. Bà Thanh cho rằng, trước đây khó khăn nhất của nghề là tìm nguồn bán lá buông và phơi khô vì các hộ làm nghề phải đi rừng “săn” lá buông, nhưng hiện đã có các đầu mối trong tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh phía Nam cung cấp, bán sỉ giá 1.000 đồng/bẹ lá.
Giờ đây, khó khăn mà các hộ làm quạt lá buông thủ công đối mặt là tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện mỗi chiếc quạt thành phẩm được bỏ sỉ cho các đơn vị thu mua khoảng 5.000 đồng/chiếc quạt trơn và khoảng 10.000 đồng/quạt màu. Do quạt màu phải tìm bên thứ ba nhuộm lá buông dẫn đến có sự khác biệt về giá.
Quạt lá buông thường được các đơn vị thu mua rồi cung cấp cho các cửa hàng lưu niệm, phục vụ du lịch hoặc xuất đi các nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân thôn Bình An đều mong muốn chính quyền địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời phát triển du lịch làng nghề, tổ chức tour cho khách tham quan, trải nghiệm, đưa quạt lá buông Khánh Hòa vươn xa, không để nghề thủ công của thôn bị mai một.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX. Ninh Hòa, đánh giá, quạt lá buông An Bình là một sản phẩm thủ công đặc sắc của địa phương, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa khảo sát cùng các doanh nghiệp lữ hành, từ đó nghiên cứu, đề xuất với tỉnh về phát triển tour du lịch. Nghề làm quạt lá buông ở thôn Bình An vẫn chưa được công nhận là nghề truyền thống. UBND TX. Ninh Hòa sẽ quan tâm, đôn đốc chính quyền địa phương lập hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận.