Độc đáo những mô hình khuyến học ở Mộc Châu

Không chỉ đơn thuần là những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cho các gia đình mà còn là những hình thức gây quỹ khuyến học độc đáo, hiệu quả, tiếp sức cho ước mơ học chữ của các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những mô hình '2 trong 1' đang được các cấp Hội Khuyến học huyện Mộc Châu triển khai.

Mô hình vườn cam khuyến học của dòng họ Đặng, xã Phiêng Luông (Mộc Châu).

Mô hình vườn cam khuyến học của dòng họ Đặng, xã Phiêng Luông (Mộc Châu).

Một trong những mô hình tiêu biểu là “Ao cá khuyến học” của dòng họ Đặng, dân tộc Dao, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông. Theo anh Đặng Văn Đông cho biết: Khoảng 2 năm trước, với sự nhất trí cao, 20 gia đình trong dòng họ Đặng đã xây dựng mô hình “Ao cá khuyến học”, bằng cách cùng đóng góp tiền mua các loại cá giống, như: cá trắm, cá chép, cá rô phi...; đến khi thu hoạch, dòng họ sẽ trích một phần tiền bán cá thương phẩm để đóng vào quỹ khuyến học của dòng họ. Tính chung 2 năm qua, tiền bán cá thu được khoảng 20 triệu đồng, dòng họ trích khoảng 5 triệu đồng để đóng vào quỹ khuyến học, số còn lại thuộc về gia đình anh Đông vì có ao cá và trực tiếp quản lý.

Dòng họ Đặng ở Phiêng Luông còn có những “Vườn cam khuyến học”. Trong câu chuyện với ông Đặng Đức Tâm, một cao niên của dòng họ, được biết, “Vườn cam khuyến học” được xây dựng và nhân rộng từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của tỉnh. Hầu hết các hộ trong dòng họ đều chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là cây cam. Mỗi hộ có trung bình khoảng 3.000 - 5.000 m² trồng cam. Sau mỗi vụ, các hộ sẽ trích tiền bán cam để đóng góp vào quỹ khuyến học. Ông Tâm chia sẻ: Những mô hình khuyến học từ ao cá, vườn cam được các gia đình tích cực hưởng ứng và bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Quỹ khuyến học của dòng họ luôn duy trì trên 10 triệu đồng/năm, dùng để giúp đỡ các cháu, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng học sinh có thành tích học tập xuất sắc, tặng quà cho thiếu nhi vào dịp Tết Trung thu. Mỗi suất quà khuyến học chỉ từ 100.000-200.000 đồng, nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp học sinh có thêm động lực để phấn đấu, vươn lên trong học tập; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các gia đình, các thành viên trong dòng họ về chăm lo việc học của con cháu.

Tới xã Chiềng Sơn để tìm hiểu mô hình “ống tre tiết kiệm khuyến học” tại bản Nậm Dên, bản tái định cư của 55 hộ đồng bào dân tộc Thái. Khoảng 3 năm trước, hưởng ứng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Chi hội Khuyến học bản Nậm Dên đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng một mô hình gây quỹ khuyến học riêng của bản. Mỗi hộ đều đặt trong nhà một ống tre tiết kiệm (kể cả các hộ không có con em trong độ tuổi đến trường) và mỗi ngày, các thành viên trong gia đình sẽ bỏ một số tiền nhất định vào ống tre để tiết kiệm. Với phương châm “tích tiểu thành đại”, trung bình mỗi năm, số tiền tiết kiệm được từ ống tre của cả chi hội đạt từ 5-7 triệu đồng. Hằng năm, Chi hội Khuyến học bản Nậm Dên sẽ tổ chức ngày hội mở ống tre để lấy tiền tiết kiệm đóng vào quỹ khuyến học.

Vườn cam, ao cá, ống tre... chỉ là số ít trong rất nhiều những mô hình độc đáo gây quỹ khuyến học ở huyện Mộc Châu. Theo báo cáo của Hội Khuyến học huyện, trên địa bàn còn có nhiều mô hình khác như: “Cây bưởi khuyến học”, “Nương ngô khuyến học”, “Vườn rau khuyến học”... Các mô hình gây quỹ đều gắn liền với những cuộc sống thường nhật của các dân tộc, các địa phương; được phát huy, duy trì trên tinh thần tự nguyện và hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Từ những mô hình gây quỹ sáng tạo ấy, đã đóng góp vào quỹ khuyến học hàng trăm triệu đồng mỗi năm; đã giúp đỡ trên 2.600 lượt học sinh nghèo, học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật, học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thành tích học tập tốt.

Các mô hình gây quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà Hội Khuyến học huyện Mộc Châu triển khai trong thời gian qua đã và đang có tác động tích cực, góp phần củng cố tổ chức Hội, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội khuyến học các cấp. Mỗi phần quà được trích từ quỹ khuyến học đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần to lớn, nhất là với những học trò nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Lê Hạnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doc-dao-nhung-mo-hinh-khuyen-hoc-o-moc-chau-35124