Độc đáo 'Phiên chợ không tiền mặt' ở Gia Viễn

Là một trong những hoạt động nổi bật tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao năm 2024 của huyện Gia Viễn, 'Phiên chợ không tiền mặt' đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, du khách về việc ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại gian hàng Nón lá Thịnh Vượng.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại gian hàng Nón lá Thịnh Vượng.

HTX Thịnh Vượng (thị trấn Me) đem tới phiên chợ sản phẩm nón lá truyền thống của địa phương với các mẫu sản phẩm chủ đạo có tên gọi "Nón lá Thịnh Vượng".

Chị Bùi Thị Lan Phương, thành viên HTX cho biết: Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của HTX đã được chúng tôi triển khai hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ khi thành lập đến nay, để phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nón lá của địa phương, HTX tận dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa sản phẩm tiến xa hơn ở những thị trường trong và ngoài tỉnh. Các trang Facebook, Zalo của HTX hay cá nhân các thành viên HTX thường xuyên đăng tải hình ảnh sản phẩm, quá trình làm sản phẩm, hoạt động trải nghiệm của khách du lịch… để đưa hình ảnh nón lá truyền thống đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Tại "Phiên chợ không tiền mặt", nhiều khách hàng thích thú với các sản phẩm nón lá Thịnh Vượng bởi sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu có sẵn của địa phương, dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã vẽ lên những bức tranh là phong cảnh địa phương, là sắc hoa, màu cờ… khá hấp dẫn.

Chọn cho mình một chiếc nón lá phong cảnh quê hương, chị Nguyễn Thị Hà (xã Gia Hưng) cho biết: Tôi biết đến nón lá Thịnh Vượng qua trang Facebook của HTX nên rất ấn tượng với sản phẩm truyền thống của địa phương. Nay được trực tiếp ngắm sản phẩm và thanh toán online bằng hình thức quét mã QR đặt tại quầy hàng, rất thuận lợi và nhanh chóng cho việc mua bán, không phải sử dụng đến tiền mặt…

Tại các gian hàng tham gia "Phiên chợ không tiền mặt", các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Nón lá, sản phẩm thảo dược của HTX Sinh Dược, mật ong, mắm tép, bánh đa làng Điềm… cùng các sản phẩm của các công ty, đơn vị trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều có mặt để quảng bá, giới thiệu cho du khách về tiềm năng, thế mạnh của đơn vị, tận dụng các nền tảng số để kết nối thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng.

Anh Phan Mạnh Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thiên Am Dược (xã Gia Hòa) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tổ hợp tham gia hoạt động của Ngày hội Văn hóa-Thể thao và đến với "Phiên chợ không tiền mặt". Là đơn vị mới hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường nên những hoạt động như thế này là rất cần thiết để tổ hợp quảng bá thương thiệu, giới thiệu với khách hàng kênh bán hàng online của tổ hợp nhằm phát triển, mở rộng thêm tệp khách hàng mới. Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại phiên chợ cũng giúp cho cả tổ hợp và khách hàng quan tâm hơn đến việc ứng dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống…

Điều dễ nhận thấy là tại phiên chợ, việc mua-bán diễn ra khá sôi nổi, tấp nập, hàng hóa được trao đến tay khách hàng nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện một đồng tiền mặt nào, dù là những mặt hàng chỉ vài chục nghìn đồng. Thanh toán online là hoạt động chủ đạo tại phiên chợ với sự xuất hiện của các mã quét QR được đặt tại tất cả các gian hàng.

Các gian hàng tại phiên chợ đều bố trí mã QR để khách hàng thanh toán thuận tiện.

Các gian hàng tại phiên chợ đều bố trí mã QR để khách hàng thanh toán thuận tiện.

Tại huyện Gia Viễn, những năm qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện được đầu tư và phát triển, mạng viễn thông, mạng internet cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Huyện đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm, phố trên địa bàn để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân đã được hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử... Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.

Huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp triển khai nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử. Một số xã có sản phẩm nông sản nổi bật, đặc sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử như "PostMart", "Voso"... Qua đó đã dần thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.

Tại "Phiên chợ không tiền mặt", hàng chục gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương không chỉ quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn giúp giới thiệu các mô hình trong chuyển đổi số của doanh nghiệp, tổ hợp, những câu chuyện thành công, kinh nghiệm của đơn vị, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số... Qua đó giúp các doanh nghiệp, tổ hợp cùng trao đổi, học tập.

Cũng thông qua phiên chợ, huyện Gia Viễn hướng tới thực hiện hiệu quả mục tiêu phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Bùi Diệu-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doc-dao-phien-cho-khong-tien-mat-o-gia-vien/d2024083111585947.htm