Độc đáo sáng kiến chế tạo máy đục và xâu vỏ hàu của học sinh Quảng Ninh
Nhân và Băng chia sẻ ý tưởng chế tạo máy đục và xâu vỏ hàu xuất phát từ mong muốn giảm bớt gánh nặng công việc của người dân nuôi hàu ở huyện Vân Đồn.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học Quảng Ninh năm học 2021 – 2022, sáng kiến chế tạo máy đục và xâu vỏ hàu của em Nguyễn Đức Nhân (lớp 8A3) và em Nguyễn Khánh Băng (lớp 8A4) - Trường Trung học cơ sở Đông Xá (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Là hai thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi nhưng Nhân và Băng lại mang đến sáng kiến độc đáo và có tác dụng thiết thực đối với cuộc sống hằng ngày, cụ thể là đối với những người dân mưu sinh bằng nghề nuôi hàu.
Tại huyện đảo Vân Đồn, nghề nuôi hàu vốn rất phát triển bởi những ưu thế về tự nhiên và môi trường.
Theo chia sẻ của người dân nuôi hàu, sau khi vớt lên, hàu được tách ruột và tận dụng phần vỏ để xâu dây cước thành từng dây rồi thả xuống biển để các cá thể hàu bám vào sinh sống.
Tuy nhiên, việc xâu vỏ hàu không hề dễ dàng bởi phải đục thủ công bằng tay vừa mất thời gian mà hiệu suất lại thấp.
Gắn bó với nghề nuôi hàu lâu năm, công việc xâu vỏ hàu cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khi phải ngồi một tư thế trong thời gian dài.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Vân Đồn, Nhân và Băng không còn xa lạ với hình ảnh người dân cặm cụi cấy con giống, vớt hàu, tách ruột, xâu vỏ rồi treo dây thả xuống biển để bắt đầu một quy trình nuôi hàu mới.
Hơn hết cả, hai em thấu hiểu được những vất vả của người dân và từ đó nảy ra ý tưởng làm một cỗ máy có thể thay sức người thực hiện việc đục và xâu dây vỏ hàu.
Nhân và Băng chia sẻ, chiếc máy đục và xâu vỏ hàu được mô phỏng theo cơ chế hoạt động của một chiếc máy khâu.
Máy gồm 4 hệ thống chính là: hệ thống đục vỏ hàu (đĩa, búa đục, ghim đục), hệ thống xâu vỏ hàu (kim xâu vỏ hàu), hệ thống giá đỡ (khung inox), hệ thống truyền chuyển động (mô tơ, xích, bánh răng).
Về quy trình vận hành, khi mô tơ quay truyền chuyển động đến hệ thống đục vỏ hàu sẽ giúp tạo 1 lỗ trên vỏ hàu, sau đó đẩy vỏ hàu về hệ thống xâu có dây cước luồn sẵn. Khi vỏ hàu đầy kim xâu, sẽ được một chuỗi vỏ hàu do dây cước định vị trước đó.
Bắt đầu thực hiện ý tưởng máy đục và xâu vỏ hàu từ tháng 4/2021, đến tháng 12/2021, Nhân và Băng đã hoàn thiện sản phẩm.
Quá trình thực hiện, Nhân và Băng cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn nhưng đều được thầy, cô giáo nhà trường hỗ trợ cùng chung tay bàn bạc, tháo gỡ vấn đề.
Ví dụ như việc cơ khí hóa máy đục và xâu vỏ hàu khó khăn hơn bởi nhiều xưởng cơ khí ở Vân Đồn chưa đủ điều kiện đáp ứng được.
Thầy cô giáo và 2 em phải đặt gia công tại thành phố Cẩm Phả và thường xuyên hiệu chỉnh trước khi thử nghiệm thực tế.
Đây là cả một quá trình công phu, từ các bước lên ý tưởng, lập bản vẽ, tính toán các thông số thiết kế.
Rồi đến khi tiến hành làm mô hình sản phẩm trên chất liệu nhựa để xác định yêu cầu cấp thiết về việc cơ khí hóa máy đục và xâu vỏ hàu. Tiếp đó là chế tạo các chi tiết, lắp ráp, hiệu chỉnh và vận hành thử nghiệm đục, xâu vỏ hàu.
Chia sẻ về sáng kiến chế tạo máy đục và xâu vỏ hàu của mình, Nguyễn Đức Nhân cho biết, khó khăn nhất của chiếc máy là làm sao để bộ phận búa đục phải có độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, máy vẫn cần được cải tiến hơn như thêm bộ phận truyền vỏ để người dân không phải trực tiếp đưa vỏ hàu vào bộ phận đục.
Bộ phận đĩa cũng có thể cải tiến thêm tính năng tự thay kim và đóng hộp bộ phận xích, bánh răng để giúp cho chiếc máy an toàn, hiệu quả hơn khi vận hành.
Không nén nổi tự hào khi nói về cỗ máy đục và xâu vỏ hàu của học sinh nhà trường, thầy Nguyễn Đức Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Xá chia sẻ: “Điều đáng quý từ dự án này là không chỉ giúp học sinh khắc sâu những kiến thức đã được học, nâng cao kỹ năng thực hành, mà còn là tấm lòng của các em với người dân quê hương.
Đây sẽ là cỗ máy hữu ích cho người lao động, bởi hiệu suất mang lại cao gấp 3 lần so với làm thủ công.
Tôi hy vọng máy đục và xâu vỏ hàu sẽ sớm được thương mại hóa, đưa vào hoạt động thực tế, giúp người lao động đỡ vất vả".
Sáng kiến của Nhân và Băng không chỉ giảm bớt gánh nặng công việc cho người dân nuôi hàu mà còn góp phần lan tỏa sự sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật tới học sinh toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và ở Trường Trung học Đông Xá nói riêng.