Độc đáo thi kéo lửa nấu cơm tại Đào Xá
Trên hành trình du xuân qua mảnh đất Đào Xá, huyện Thanh Thủy, bên cạnh những lễ hội có lịch sử hàng trăm năm, khách thập phương còn đặc biệt thích thú với hội thi kéo lửa nấu cơm. Điểm độc đáo ở đây đến từ sự so tài giữa các đấng mày râu trong tiếng reo hò cổ vũ của dân làng.
Thi kéo lửa nấu cơm thường được tổ chức cùng với hội rước voi vào ngày 28 tháng Giêng. Đây là phần hội được dân làng mong đợi nhất và cũng tập trung đông người xem nhất. Năm nay, phần thi gồm ba đội tranh tài đến từ ba khu dân cư. Mỗi đội có ba thành viên, không phân biệt tuổi tác, chỉ cần khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo. Vật dụng để thi nấu cơm bao gồm bếp kiềng, nồi gang hoặc nồi nhôm, chày cối để giã gạo, rơm khô hoặc củi nỏ, rá đãi gạo, đĩa, gà trống mào đẹp, nặng 1,5 - 2kg, thóc lúa...
Sau màn giới thiệu của ban giám khảo, người chủ khảo hô: “Bắt đầu”, tiếng trống nổi lên, ba đội chính thức tranh tài. Độc đáo đầu tiên ở chỗ người thi không được dùng diêm hay bật lửa mà phải lấy lửa bằng vật dụng đặc biệt. Đó là ống gỗ hình trụ có đục lỗ xiên ngang, đường kính luồn vừa khít một sợi dây bện bằng cật cây giang bánh tẻ, loại dây vẫn thường dùng gói bánh chưng.
Người lấy lửa phải kéo sợi dây liên tục cho đến khi ma sát giữa dây và gỗ làm tóe tia lửa rồi nhanh tay đưa nắm bùi nhùi vào tiếp lửa, song song với đó chụm hai bàn tay thổi mạnh cho lửa bùng lên mới đưa vào nhóm bếp. Người thực hiện lấy lửa phải là người kiên trì, khéo léo vì nếu kéo quá nhẹ không tạo được ma sát để đánh lửa, quá mạnh thì dây sẽ đứt phải mất thời gian thay dây mới ảnh hưởng tới tốc độ nấu cơm. Đây là cách lấy lửa truyền thống được truyền từ đời sang đời khác.
Sau khi đánh lửa, mỗi người một việc luôn chân luôn tay. Người giã gạo, người mổ gà, người đun bếp. Gà được chọn là gà trống, nặng từ 1,5 - 2kg, mào đẹp sẽ được mổ moi, tạo hình cánh tiên để trình bày cho đẹp mắt. Thóc tẻ giã trong cối gỗ đến khi trắng mịn, thổi hết tấm, trấu thì nước cũng vừa sôi tới. Nguyên liệu sơ chế xong thì ba thành viên cũng chụm vào bếp nấu cơm, luộc gà.
Người phụ trách nồi cơm phải sơ, đảo gạo, cầm lửa làm sao cho cơm chín đều, dẻo, không nát, giữ được mùi thơm hấp dẫn. Gà mổ xong cho vào nồi nước xăm xắp, vừa canh lửa vừa lật giở cho gà chín thấu từ ngoài vào trong. Khi đó, trống thúc liên hồi, khán giả xung quanh reo hò cổ vũ, không khí sôi động như trên sới vật. Cơm chín tới, gà luộc xong là đến công đoạn bày cỗ. Cơm trắng xới ra mâm nhôm nhỏ, dàn đều không quá đầy, không quá vơi. Gà luộc xong vớt ra đặt giữa mâm cơm trắng, miệng ngậm bông hồng đỏ hoặc hoa đồng tiền, cánh tiên giang thẳng, tựa như mâm cỗ cúng ngày lễ, tết.
Ban giám khảo sẽ trực tiếp nếm cơm, thịt gà của từng bếp. Điểm số được tổng hợp dựa trên các yếu tố: Thời gian hoàn thiện mâm cỗ, chất lượng các món, thẩm mĩ mâm cỗ, ý thức chấp hành quy chế thi. Sau khi trao đổi, thống nhất, chủ khảo sẽ công bố và trao giải Nhất cho đội thắng cuộc trong tiếng reo hò, cổ vũ của dân làng.
Đồng chí Lê Quốc Kỳ - Chủ tịch UBND xã Đào Xá cho biết: “Thi kéo lửa nấu cơm có lịch sử hàng trăm năm, song hành cùng với hội rước voi ở Đào Xá. Hội thi được tổ chức để cùng ôn lại truyền thống lịch sử của thế hệ ông bà tổ tiên thông qua phương thức đánh lửa nguyên thủy, đặc trưng của cư dân lúa nước vùng đồng bằng”.
Ngày nay, thi kéo lửa nấu cơm không chỉ được tổ chức ở Đào Xá mà còn lan tỏa ra nhiều hội làng, đặc biệt là Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Đây là điểm nhấn thu hút du khách về với vùng đất cổ kính có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống này.