Độc đáo tranh Đông Hồ với hình tượng gà chúc phúc đầu xuân
Trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam, ngoài 'bánh chưng xanh, câu đối đỏ' không thể thiếu những bức tranh dân gian Đông Hồ luôn chứa chan những câu chúc tốt lành.
Nét độc đáo hình tượng “gà” trong tranh Đông Hồ
Đã thành một nét đẹp, cứ dịp tết đến xuân sang, người Việt Nam thường trang trí không gian trong ngôi nhà của mình mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngoài mâm ngũ quả, cành đào rực rỡ ấm áp, bánh chưng xanh, câu đối đỏ...không thể thiếu những bức tranh truyền thống mang đậm “màu dân tộc”. Trong những dòng tranh truyền thống ấy, tranh Đông Hồ (làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được ưa chuộng hơn cả. Trạnh Đông Hồ luôn có sức lôi cuốn với những người chơi tranh không chỉ bởi những nét tinh túy riêng mang nhiều giá trị văn hóa mà đó còn là sự gửi gắm, lời chúc phúc cho một năm mới sung túc đủ đầy. Những người chơi tranh thực sự mới hiểu ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chứa đựng những ẩn ý, nhắc nhở, răn dạy chi tiết, đầy đủ về cuộc sống.
Đã nhiều lần đặt chân đến làng Đông Hồ mỗi dịp xuân về nhưng trong những ngày cận tết Đinh Dậu này, chúng tôi vẫn phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sự bất ngờ không phải là làng tranh Đông Hồ hiện nay đã được nhắc đến vàng mã nhiều hơn tranh là bởi dù làng còn ít người làm tranh nhưng những đoàn khách từ các nơi vẫn nườm nợp đổ về để tận mắt chứng kiến cảnh làm tranh, tận tai được nghe những người tâm huyết nói say sưa về những giá trị ẩn chứa trong mỗi bức tranh.
Nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nằm ngay trên triền đê dẫn vào làng Đông Hồ, nơi đây cũng là trung tâm trưng bày dòng tranh dân gian truyền thống luôn tấp nập khách ra vào. Tại gian trưng bày tranh, những đoàn khách từ khắp mọi nơi say mê ngắm những nét tinh túy của “màu dân tộc, sáng bừng trên giấy điệp”. Những bức tranh thu hút khách lớn nhất trong dịp này chính là những bức tranh về gà như “gà đại cát”, “Đàn gà mẹ con”, “Em bé ôm gà”, “gà trống gáy sáng”...Những bức tranh Đông Hồ có hình tượng gà luôn thu hút người xem tranh. Đến ngay cả nhà thơ Tú Xương - nhà thơ trào phúng nổi tiếng của nước ta - trong bài thơ "Xuân" đã viết: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà".
Giải thích ý nghĩa những bức tranh có hình tượng những con gà, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giúp những người chơi tranh hiểu thêm về những giá trị ẩn sau những nét vẽ đậm hồn dân tộc. Nếu bức tranh “gà đại cát” có nội dung trực tiếp là hai chữ“Đại cát”, nhưng nội dung sâu xa của bức tranh lại là con gà trống ở phía dưới thể hiện một lời chúc tụng và ước vọng cho một cuộc sống may mắn thì bức tranh “Đàn gà mẹ con” lại thể hiện sự sum vầy, đầm ấm. Bởi bức tranh có cảnh đàn gà con quây quần quanh mẹ là lời chúc bình an vô sự, con đàn cháu đống của người tặng. Người ta thường tặng cho vợ chồng mới cưới để chúc họ sớm có con.
Trong bức tranh "Con gà trống gáy sáng", hình tượng con gà lại mang sự oai vệ, chân trái dựa nhẹ bên khóm trúc, chân phải đặt lên mỏm đá mấp mô, toàn thân như đang trườn lên phía trước, đầu ngẩng cao, mất mở to, ức ưỡn ra, đuôi xòe rộng, cất lên tiếng gáy "báo thức" thiêng liêng mang lại sự tươi vui ngày mới, báo hiệu một năm mới nhiều hứng khởi.
Tranh Đông Hồ có vài chục bức về hình tượng con gà, mỗi bức tranh lại mang những ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung lại là sự tươi vui, ấm áp, mang nặng nghĩa tình như tính cách người Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Một số hình ảnh "gà" trong tranh Đông Hồ:
Niềm vui người nghệ nhân già khi tranh Đông Hồ hút hồn giới trẻ
Hơn 500 năm qua, “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” đã được những người nghệ nhân làng Đông Hồ gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người nối tiếp cha ông truyền lửa cho các thế hệ sau gìn giữ dòng tranh này tâm sự: “Làng Đông Hồ có nghề làm tranh từ 500 năm trước. Nhưng trải qua thời gian, tranh Đông Hồ cũng đã qua nhiều thăng trầm. Có lúc hưng thịnh như cuối những năm 30 của thế kỷ 20, cả làng làm tranh, cứ mỗi dịp tết chợ tranh của làng luôn tấp nập người bán kẻ mua. Tuy nhiên sau năm 1944, làng tranh Đông Hồ cũng rơi vào cảnh cơ hàn, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Chợ họp mà chẳng còn ai thèm ngó gì đến tranh nữa… Sau chiến tranh, làng tranh được khôi phục, nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập và phát triển hơn nhưng chưa năm nào làng Hồ tổ chức được phiên chợ tranh vào dịp Tết””.
Với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nỗi niềm của ông chính là nỗi lo về sự mai một của dòng tranh Đông Hồ trong tương lai. “Giờ làng Đông Hồ người ta không làm tranh họ chuyển sang làm hàng mã chỉ có mỗi gia đình tôi làm. Thực ra tôi thấy một cái nghề không ai làm mà bỏ đi thì nó bị mai một đi. Từ đó năm 1991 tôi bắt tay vào phục hồi cho đến nay cũng được 25 năm và tôi thấy có những niềm vui. Từ những năm phục hồi đến nay cái tranh Đông hồ tôi thấy một cái vui là cứ gần đến ngày tết nhiều người lại rất quan tâm đến tranh này. Người ta mua về chơi, trang trí ở trong nhà đó là một niềm vui đối với tôi. Năm 2006, tôi đề nghị với địa phương cho tôi thuê một mảnh đất này 50 năm để xây dựng các gian nhà trưng bày tranh truyền thống. Cho đến nay cũng được 10 năm, khách tìm đến rất đông và họ cảm thấy vui vì có chỗ để xem, thưởng thức và mua”, ông Nguyễn Đăng Chế cho biết.
“Nỗi niềm của tôi về sự mai một dòng tranh đã vơi bớt khi các con, cháu tôi đều nối nghề của cha ông và đang sống chủ yếu bằng nghề làm tranh. Nhưng niềm vui lớn nhất, là hiện nay khách đến tham quan làng tranh đa số là học sinh, sinh viên, các thế hệ trẻ. Thường xuyên chúng tôi đón và tổ chức những chương trình cho học sinh, sinh viên các trường mầm non, THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học. Các cháu về đây tham quan, tôi sẽ giới thiệu về nội dung, chất liệu giới thiệu và dạy cách làm. Thậm chí có những trường còn đưa cả giáo viên về mua bản khắc, dụng cụ, màu để về cho học sinh học in. Tranh Đông Hồ đã được đưa vào các chương trình học của các trường điều đó làm tôi thấy rất vui. Hàng năm cứ gần tết khách hàng lại đến mua tranh nhiều hơn. Thực sự tôi thấy tạm thời Tranh Đông Hồ đang được sống lại và có hướng phát triển qua ánh mắt đầy đam mê của các bạn trẻ”, ông Nguyễn Đăng Chế phấn khởi.